5 tuyệt chiêu dạy bé tập nói sớm mẹ không nên bỏ qua

Dạy bé tập nói sớm, một vấn đề không còn quá mới mẻ ở thời điểm hiện tại. Rất nhiều nghiên cứu đã chỉ ra việc dạy trẻ nói sớm và đúng đắn mang đến nhiều lợi ích cho sự phát triển ngôn ngữ ở trẻ.

Rất nhiều ba mẹ quan tâm đến vấn đề trẻ biết nói sớm có thông minh hơn không. Thật ra không có câu trả lời nào là hoàn hảo cho việc trẻ biết nói sớm thì sẽ thông minh hơn. Trẻ thông minh hay không còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố.

Tuy nhiên, việc trẻ nói sớm vẫn là một tín hiệu tích cực trong quá trình phát triển ngôn ngữ. Khi bé biết nói sớm, hệ thống ngôn ngữ và khả năng giao tiếp sẽ được phát triển từ sớm. Từ đó hỗ trợ rất tốt cho sự phát triển tư duy hiện tại và cả sau này. 

Vấn đề đặt ra đó là làm thế nào hay nói cụ thể hơn là những tuyệt chiêu nào dạy bé tập nói sớm? Nếu đang quan tâm về vấn đề này thì những chia sẻ dưới đây là dành cho ba mẹ.

Thường xuyên trò chuyện cùng với bé

Công việc, các mối quan hệ cùng nhiều vấn đề khác khiến nhiều ba mẹ không có thời gian dành cho con cái. Và nói chuyện cùng con mỗi ngày thì càng khó hơn. Đây cũng là thực tại ở rất nhiều gia đình trong xã hội hiện nay.

Trò chuyện là cách dạy bé tập nói hiệu quả

Trò chuyện thường xuyên, phương pháp hiệu quả giúp bé nhanh biết nói hơn (Nguồn: internet)

Vào tuần trước, mình có nói chuyện với một người bạn học cùng Đại học. Trong cuộc nói chuyện đó, bạn có chia sẻ về việc cậu con trai 2 tuổi nhưng chưa nói được gì nhiều. Tất cả chỉ xoay quanh một vài từ đơn như ba, bà, mẹ và hầu như chưa nói được từ ghép. Bạn lo lắng là con mình chậm biết nói. 

Hai vợ chồng bạn bắt đầu khởi nghiệp. Công việc bận rộn nên rất ít khi trò chuyện chơi đùa cùng con. Giữa thời điểm dịch bệnh, cậu bé chỉ ở trong phòng chơi cùng bà nội, ít khi được ra ngoài. Và phải chăng sự thiếu tương tác này là một trong những nguyên nhân làm hạn chế sự phát triển ngôn ngữ của bé. 

Để trẻ có thể nói được sớm, hãy thường xuyên trò chuyện cùng với bé. Đây là một tuyệt chiêu dạy bé tập nói sớm đơn giản nhưng rất hiệu quả. Việc ba mẹ (hoặc ông bà, người trông trẻ,… ) nói chuyện nhiều với bé sẽ giúp mở rộng vốn từ. Bé biết nhiều hơn, hoạt ngôn hơn. Đừng nghĩ rằng bé còn quá nhỏ để cần nói chuyện nhiều. Bởi tùy từng giai đoạn phát triển mà bé có thể hiểu và phản ứng lại với những gì chúng ta nói. Dần dần bé sẽ quen, hứng thú và bập bẹ hay nói lại những từ mà chúng thường nghe.

Trò chuyện với bé như thế nào? Hãy nói chuyện với bé một cách nhẹ nhàng, vui vẻ, ngôn từ phù hợp. Hãy bắt đầu dạy bé tập nói từ đơn giản đến khó hơn. Ba mẹ có thể giao tiếp và trò chuyện với bé mọi lúc mọi nơi, với những người xung quanh, với bạn bè. Hay nói chuyện ngay cả khi đang làm việc. 

Ví dụ như: Mẹ đang nhặt rau muống này. Con có muốn nhặt cùng mẹ không?

Đọc sách cho bé nghe

Nếu muốn bé biết nói sớm, hãy đọc sách cho bé nghe mỗi ngày, thường xuyên và đều đặn. Các cuốn sách sẽ giúp trẻ mở rộng được vốn từ vựng, biết được thêm nhiều câu, tục ngữ, thành ngữ,…. Từ đó phát triển kỹ năng ngôn ngữ và cả khả năng giao tiếp sau này. 

Dạy bé tập nói bằng cách đọc sách cho bé nghe thường xuyên

 Đọc sách là cách mở rộng vốn từ vựng cho bé rất hiệu quả (Nguồn: internet)

Với tuyệt chiêu này thì thực sự là “một công đôi việc” rồi. Bởi việc đọc sách cho bé nghe mang đến nhiều lợi ích hơn ba mẹ nghĩ đấy. Không chỉ đừng lại ở việc giúp bé biết nói sớm. Đọc sách còn giúp kích thích óc tưởng tượng và sáng tạo, rèn luyện khả năng tập trung. Đọc sách cũng là cách để bé tiếp thu các kiến thức một cách tự nhiên nhất. 

Hãy kiên trì đọc sách cho bé nghe. Rồi đến một ngày bạn sẽ phải ngạc nhiên vì bé nói được những từ mà bạn không hề dạy. Hay bé biết tên một loài vật, đồ vật nào đó mà bạn chưa từng giới thiệu. 

Tuy nhiên, hãy chọn lựa sách để đọc cho bé nghe nhé. Tùy từng độ tuổi mà ba mẹ lựa chọn những cuốn sách phù hợp cho bé. Ở giai đoạn dạy bé tập nói, hãy ưu tiên những cuốn sách chữ to, ít chữ. Ngôn từ trong sách gần gũi, dễ thuộc, dễ nhớ, hình ảnh đẹp, rực rỡ. Như vậy sẽ thu hút bé hơn, giúp bé hứng thú hơn với việc đọc sách.

Gợi ý cho mẹ: 5 đầu sách hay cho bé đang tập nói

Hãy luôn phản hồi với những từ bé nói một cách rõ ràng

Bạn sẽ cảm thấy thế nào nếu nói hay hỏi mà người đối diện không đáp lại. Bực tức, xấu hổ, chán nản hay là cảm thấy lạc lõng? Với trẻ con cũng thế thôi. Đừng thấy trẻ không phản ứng hay biểu hiện cảm xúc nào mà lờ đi những lời nói hay câu hỏi của bé. Một lần, hai lần, rồi ba bốn lần ba mẹ, người thân không phản hồi lại những gì mà bé nói, bé hỏi thì chắc chắn bé cũng chẳng nói nữa đâu. 

Hãy tôn trọng bé và phản hồi lại những giao tiếp của bé. Bé sẽ nhận ra rằng: à, người lớn cũng hứng thú với điều đó đấy. Và như vậy sẽ thích thú hơn với việc nói chuyện. Sự giao tiếp qua lại giữa bé và ba mẹ sẽ là cơ hội để bé cải thiện và trau dồi vốn từ một cách hiệu quả. Và đó cũng là một cách để phát triển ngôn ngữ một cách tuyệt vời, giúp bé nhanh chóng biết nói và nói tốt hơn.

Thường xuyên cho bé tiếp xúc với thế giới bên ngoài

Khi dạy bé tập nói, việc ba mẹ cho bé tiếp xúc với thế giới bên ngoài nhiều hơn sẽ giúp bé củng cố và ghi nhớ từ vựng rất tốt. Ví dụ như việc bé được nhìn thấy một chú voi thực thụ trong vườn bách thú. Hay việc bé được nhìn và trực tiếp hái những bông hoa, những lá rau trong vườn. Những trải nghiệm thực tế như vậy sẽ giúp bé nhận biết chính xác và nhớ từ rất nhanh và rất lâu. Bé cũng sẽ tích lũy được vốn từ để thuận lợi hơn cho việc giao tiếp sau này.

Tiếp xúc với thế giới bên ngoài cũng là cách dạy bé tập nói mẹ nên thử

Tiếp xúc với thế giới bên ngoài sẽ giúp bé ghi nhớ vốn từ tốt hơn (Nguồn: internet)

Tất nhiên, trong quá trình trải nghiệm đó, ba mẹ hay người thân phải luôn là người giới thiệu, giải thích thậm chí là đặt câu hỏi cho bé.

Ngoài ra, khi được tiếp xúc với thế giới bên ngoài nhiều hơn sẽ giúp bé dạn dĩ và năng động hơn. Đồng thời đây cũng là biện pháp để tăng cường sức đề kháng cho bé một cách hiệu quả. 

Hãy kiên nhẫn, kiên trì trong quá trình dạy bé tập nói

Tập nói ở trẻ là cả một quá trình dài. Không thể trong một vài ngày, một vài tuần là có kết quả ngay được. Chính vì vậy, tuyệt chiêu cuối cùng và cũng là chìa khóa để ba mẹ thành công trong hành trình dạy bé nói đó chính là sự kiên nhẫn.

Dù bé có nói chậm, nói sai thì ba mẹ cũng hãy kiên nhẫn. Từ từ từng bước một, đừng bao giờ chê bai, tỏ thái độ không hài lòng với những câu nói của bé. Thay vào đó hãy khích lệ động viên để bé hứng thú và tiếp tục cố gắng. 

Một câu nói quen thuộc của nhiều bà mẹ bỉm sữa: Cố gắng rồi quả ngọt sẽ tới. Dạy bé nói hay bất kỳ vấn đề nào khác trong hành trình chăm sóc và nuôi dạy con đều cần đến sự kiên trì nhẫn nại của ba mẹ.

Hãy đồng hành cùng bé, tham khảo những kinh nghiệm dạy bé tập nói trên đây để hành trình phát triển ngôn ngữ của bé sớm đạt quả ngọt ba mẹ nhé.

Chúc ba mẹ và bé luôn vui khỏe,


Bạn có yêu thích bài viết trên đây? Nếu có, hãy theo dõi những bài viết để blog tiếp tục phát triển hơn nữa nhé.

Mình cảm ơn nhiều,

Leave a Reply