– Ôi, nhát thế. Bé mấy tuổi rồi chị?
Tôi cười trừ, trả lời “3 tuổi em ạ” và quay ra nghịch nước với con.
Con tôi đã bị những người lạ, lần đầu gặp mặt “dán” cho cái mác là đứa trẻ nhút nhát. Chuyện xảy ra tại hồ bơi của khách sạn, nơi chúng tôi nghỉ ngơi trong chuyến du lịch tại Phan Thiết. Khi con gái tôi đang bám vào thành bể để đạp chân vào nước, một cô trong hồ bơi đang tắm dang tay ra và gọi con bé đến cô dạy bơi. Thấy vậy, con bé vội quay nhanh sang chỗ mẹ đứng. Và sau đó xảy ra cuộc hội thoại ngắn ngủi trên.
Có nhiều lý do khiến trẻ nhút nhát
Tôi nhận thấy hầu hết các ông bố bà mẹ có một đứa bé nhút nhát đều có tâm lý lo lắng và tìm đủ mọi cách để giảm bớt hay cải thiện tính đó. Cứ dạo quanh một vòng trên các hội nhóm facebook bạn sẽ thấy có rất nhiều câu hỏi kiểu như “Con em nhát quá, bây giờ phải làm sao?, “Con em 5 tuổi, ở nhà nói năng liến thoắng nhưng ra ngoài gặp người lạ là im như thóc”…
Tôi cũng đã từng như thế. Tôi đã từng nghĩ và cho rằng con mình là một đứa trẻ nhút nhát. Vì sao?
– Vì di truyền. Mẹ nó, tức là tôi cũng là một người khá nhát. Tôi ngại đám đông, tôi sợ nhiều thứ.
– Với người lạ, nó sẽ không trò chuyện hay chơi đùa, trừ khi người đó chủ động giao tiếp, chơi đùa một cách thân mật.
– Tại một môi trường mới, nó thường mất một thời gian khá dài mới hòa nhập được. Ví dụ như đi học mầm non, nó thường là đứa đứng một mình ở một góc nhìn các bạn chơi. Nó là đứa không chạy nhảy nô đùa như các bạn trong lớp. Cho đến gần đây, khi đã đi học được 3, 4 tháng nó mới bắt đầu chơi nhiều hơn với các bạn.
Có rất nhiều nguyên nhân khiến cho một đứa trẻ trở nên nhút nhát ít nói. Ví dụ như:
– Do di truyền từ người thân trong gia đình.
– Do môi trường sống quá bó hẹp, hạn chế tiếp xúc, hạn chế giao tiếp với mọi người.
– Do cách giáo dục, cách ứng xử dạy dỗ của bố mẹ. Tôi đã từng đọc được một câu nói như thế này: Cha mẹ có tâm lý bất ổn sẽ nuôi dạy những đứa trẻ nhút nhát, thiếu tự trọng, nhạy cảm, bướng bỉnh, hay nghi ngờ. Rõ ràng quá trình nuôi dạy trẻ của bố mẹ có ảnh hưởng khá lớn để nhận thức, tính cách của trẻ.
Đọc thêm: Câu Chuyện Con Ếch Và Bài Học Về Sức Mạnh Của Lời Nói Với Con Trẻ
Môi trường sống bó hẹp, ít giao tiếp có thể là nguyên nhân khiến trẻ nhút nhát
Sự lo lắng, sự kỳ vọng quá mức của bố mẹ dẫn tới những nhận thức và hành vi sai
Thời gian đầu khi nhận thấy con gái có những biểu hiện của một đứa bé nhút nhát, tôi đã lao vào tìm kiếm trên đủ các trang báo, các hội nhóm. Nhưng tệ hại là tôi lại chỉ mới mày mò đến những tác hại của việc trẻ nhút nhát. Tôi cũng đọc cách để cải thiện tính đó của trẻ, nhưng oái oăm thay nó cũng nửa vời, không đến nơi đến chốn.
Tôi đọc được và lo lắng rằng, tính cách nhút nhát đó sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống, đến tương lai của nó. Tôi cũng sợ rằng nếu nó cứ nhút nhát như vậy thì sau này sẽ luôn bị thiệt thòi. Rồi nhiều lần sốt ruột và lo lắng quá mà tôi có những lời nói thúc giục, ra lệnh con bé phải chào một người hàng xóm mới quen, hay ra chơi với một đứa bạn mới…
Đỉnh điểm là khi con bé bắt đầu đi học. Có hôm tôi ngồi ôm khư khư cái điện thoại cả buổi để coi cam ở lớp. Tôi sốt ruột khi con cứ đứng ì một chỗ nhìn trong khi các bạn nô đùa, chạy nhảy. Tôi lo lắng khi cô hỏi không trả lời, bạn hỏi cũng im lặng. Ngày nào tôi cũng nói chuyện với cô về tình trạng đó của con. Trong đầu tôi luôn thường trực vấn đề, sao con nhát thế, sao con không ra chơi với các bạn. Tôi không bình tĩnh được. Tôi áp lực và tôi nghĩ khi đó chắc cô giáo cũng áp lực vì tôi lắm chứ. Và phải chăng tại tôi nói nhiều quá mà cô giáo bắt đầu dùng biện pháp mạnh, ép buộc, ra lệnh, để rồi nguyên 1 tháng trời, cứ đi học là con bé khóc.
Gần nhà tôi có một nhà văn hóa huyện. Trong đó có khu vui chơi cho trẻ em, có cầu trượt, xích đu, sân cát… Chiều mát, hai mẹ con thường ra đó chơi. Trẻ em lân cận đó cũng ra chơi rất nhiều. Mun nhanh chóng làm quen được với một chị. Gọi là chị bởi bé đó cao to hơn Mun thôi, chứ thực ra cũng hơn con bé có vài ba tháng tuổi. Con bé nhanh nhẹn, hoạt ngôn, nói liến thoắng. Hôm đầu gặp, nó xà tới nói chuyện tự nhiên khi tôi đang ngồi với con gái trên ghế đá. “Cô ơi con muỗi này”, “Cô ơi con bị đau chân”… Cảm giác thật thân thiện, chả xa lạ gì. Tôi thì vốn quý trẻ, cũng hỏi han nói chuyện, từ đó mà hai đứa nhỏ quen nhau. Thiết nghĩ, con bé lanh lẹ, hoạt bát quá, lại dạn dĩ nữa chứ. Rôi tôi từng nghĩ, giá mà con bé nhà mình nó được như thế.
Đó là khoảng thời gian sai, cực sai của tôi
Cái thời gian đó sao mình lại hấp tấp, lại vội vã như thế? Tại sao chỉ biết đọc hậu quả của việc trẻ nhút nhát mà không đọc cái cách để đồng hành, để giúp con tự tin, dạn dĩ hơn?
Có một lần tôi đọc được phân tích của một chuyên gia tâm lý về trẻ em rằng: Nhút nhát không đồng nghĩa với mất tự tin. Việc bạn nhỏ chưa hào hứng tham gia các hoạt động xã hội ngay lúc đó có thể bất lợi cho giao tiếp ngắn hạn. Nhưng sau đó, khi quen dần trẻ hoàn toàn có thể hòa nhập, tham gia cùng các bạn. Có thể bạn nhỏ là người khá thận trọng nên khi đến một nơi mới dễ trở nên lo lắng, bất an, nhưng khi cảm nhận được nơi đó an toàn thì sự nhút nhát tạm thời sẽ được cải thiện. Nếu nhút nhát là biểu hiện của việc trẻ đang tìm hiểu một môi trường mới, hoặc trẻ đang thiếu các kỹ năng xã hội thì ba mẹ, thầy cô cần có cách hỗ trợ và hướng dẫn đúng đắn.
Ừ thì mọi người nghĩ con tôi là một đứa trẻ nhút nhát. Nhưng tôi sẽ nghĩ nó là một đứa bé khá thận trọng. Nó cũng không nhanh chóng hòa đồng được với người mới. Nhưng nó dạn dĩ quá như con bé mà tôi kể bên trên thì cũng lo ra phết chứ chả đùa. Tôi cứ ngỡ nó chỉ hòa đồng, chuyện trò với tôi thôi. Nhưng không, sự thật là với ai con bé cũng thế. Dường như nó không biết lạ với ai. Ai cũng vậy, kể cả trẻ con, kể cả người lớn, nó cũng có thể nhanh chóng bắt chuyện. Đặc biệt, nó thấy ai có gì ăn là nó cũng xà tới, đứng cạnh cho đến khi người ta phải cho nó ăn thì thôi. Tự nhiên tôi thấy lo. Dù gì con bé cũng mới hơn 3 tuổi, gặp người tốt thì không sao, nhưng lỡ gặp người xấu thì sao.
Làm thế nào với một đứa trẻ nhút nhát?
Tôi thấy có rất nhiều bố mẹ thành công trong vấn đề này. Tuy nhiên, đó là cả một hành trình dài và cần sự quan tâm, nỗ lực của cả bố mẹ, thậm chí là cả người thân trong gia đình.
Tôi và chồng tôi cũng vậy, đã cố gắng sửa sai để con mình ngày một tốt hơn.
– Chúng tôi nói chuyện và chia sẻ mọi chuyện với nó mỗi ngày.
– Chúng tôi luôn thông báo và nói chuyện trước với nó về những chuyện sắp xảy ra, như việc nó chuyển lên lớp mới, chuyện nó học với cô giáo mới, chuyện nó chuẩn bị đi du lịch, đi tàu, chuyện nó được đến chơi một nhà họ hàng lâu ngày không gặp.
– Chúng tôi từ tốn hơn, chậm rãi hơn, khích lệ nó nhiều hơn mỗi khi nó tự chơi với một người bạn mới.
– Chúng tôi cũng không thúc giục hay bắt con chào một người hàng xóm, làm một việc không thích,…
– Chúng tôi cố gắng làm gương cho con. Tôi nói chuyện nhiều hơn, cười nhiều hơn với mọi người xung quanh. Tôi cũng chủ động nói chuyện với một đứa trẻ trong nhà văn hóa, với bố mẹ của chúng,…
– Tôi cũng không trách người ta nói con tôi nhát, nhưng tôi cố gắng để con tránh xa những lời nói đó một cách tối đa nhất. Tôi không muốn trong đầu nó có suy nghĩ rằng nó là một đứa bé nhút nhát.
– Tôi ngừng suy nghĩ “Con mình là một đứa bé nhút nhát”. Bởi suy nghĩ đó đã khiến tôi đã có những hành động, lời lẽ sai trước đây.
Cho đến thời điểm hiện tại, thỉnh thoảng con tôi vẫn bị người ta cho rằng là một đứa trẻ nhút nhát. Nhưng với chúng tôi thì khác, chúng tôi thấy rằng nó đã có cải thiện rất nhiều. Và nếu như chúng tôi có sự tác động đúng đắn, hợp lý, một thời gian nữa, con bé chắc chắn sẽ trở nên tự tin hơn.