Trẻ Biếng Ăn Phải Làm Sao?

Trẻ biếng ăn phải làm sao? Một câu hỏi muôn thủa của nhiều bậc làm cha mẹ. Tại sao bé biếng ăn và làm thế nào để cải thiện hay giải quyết tình trạng này? 

Sốt ruột khi bé chỉ ăn trái cây, một vài thìa cơm và nói không với thức ăn

Con gái mình hiện được gần 2 tuổi. Và trong khoảng thời gian từ khi bắt đầu ăn dặm (lúc 6 tháng tuổi) cho đến nay (22 tháng tuổi), mình đã một vài lần đau đầu và lo lắng khi bé quá lười ăn. 

Có những thời điểm bé nhất định không chịu ăn rau, ăn cơm và chỉ ăn thịt. Hay có những giai đoạn bé chỉ thích ăn trái cây. Rồi có những đợt lại chỉ ăn mỗi cơm trắng. Rồi có hôm lại chẳng ăn uống gì. Ăn uống gì kỳ cục quá trời luôn. Người làm mẹ chỉ muốn tét mông và mắng cho một trận vì cái tội ăn uống chẳng giống ai. 

Nhưng nghĩ là thế mà đâu có dám làm. Vẫn phải nhẹ nhàng, từ tốn “Con ăn cơm nữa nhé”, “Con ăn thịt nữa nhé” “Món rau này rất ngon”…. Và kết thúc là ok, con không ăn mẹ dọn sạch. Tưởng nó đói, bữa sau sẽ ăn. Vậy mà ai dè vẫn tỉnh bơ với đồ ăn. Mặt mũi vẫn hớn hở như chưa có chuyện gì xảy ra.

Trong khi đó, bản thân mình thì lo lắng, sót ruột vì con không chịu ăn. Lo lắng con không đủ chất, lo lắng con còi cọc. Bên cạnh đó là áp lực từ những người xung quanh. “ Phải ép thì nó mới ăn”, “Bế nó đi vòng vòng một dạo là ăn thôi”, “Cho thêm mắm muối vào đậm đậm thì nó mới ăn chứ”. 

Tuy nhiên, sau cơn mưa trời lại sáng…

Trộm vía là bé nhà mình chỉ biếng ăn theo giai đoạn. Sau thời gian biếng ăn, bé lập tức lấy lại phong độ và lại ăn uống hăng say khiến ba mẹ ngỡ ngàng. Chính vì vậy, sau một vài lần như vậy, mình đã có nhiều kinh nghiệm hơn về tình trạng bé biếng ăn. Tinh thần cũng thoải mái hơn nếu như bé bước vào giai đoạn này.

Mình biết có nhiều bé gặp phải tình trạng biếng ăn kéo dài. Khi đó có thể mẹ sẽ cần phải gặp bác sĩ để tìm hiểu và cải thiện tình hình. Còn nếu bé nhà bạn tương tự trường hợp bé nhà mình, biếng ăn theo giai đoạn thì có thể tham khảo những chia sẻ sau đây nhé.

Trẻ biếng ăn phải làm sao? Hãy xuất phát từ nguyên nhân khiến trẻ không hứng thú với ăn uống

Đừng vội vàng tìm câu trả lời cho việc trẻ biếng ăn phải làm sao. Mình nói thật đấy. Bởi khi đó điều này sẽ chỉ làm mẹ lo lắng và mệt mỏi hơn mà thôi. Thay vào đó hãy bình tĩnh để tìm hiểu nguyên nhân nào khiến trẻ biếng ăn. Từ đó lựa chọn cách giải quyết phù hợp với từng nguyên nhân đó. 

Trẻ không thích loại đồ ăn hoặc kiểu ăn đó

Khi bắt đầu ăn dặm, mình cho bé ăn dặm kiểu Nhật. Và các món ăn đầu tiên chính cháo rây, cà rốt rây, khoai tây nghiền,… Nói chung là đồ nghiền nhuyễn. Tuy nhiên sau khoảng 1 tuần ăn như vậy, bé bỗng dưng không chịu ăn bất kỳ đồ ăn nghiền, rây nào nữa. Đổi thực đơn, kéo dài thời gian các bữa ăn nhưng bé vẫn không chịu ăn nữa. Loay hoay trong một vài ngày, mình quyết định cho bé thử với một vài miếng cà rốt cắt thanh hấp mềm. Một vài miếng chuối và su su hấp cho những bữa sau. Và trộm vía bé tỏ ra rất thích thú. Mình quyết định cho bé ăn thô và chuyển sang ăn dặm tự chỉ huy thay vì ăn dặm kiểu Nhật trước đó. 

Có thể mẹ cần: Ăn dặm tự chỉ huy là gì? Những Chia sẻ thực tế về phương pháp ăn dặm bé tự chỉ huy

Trẻ biếng ăn phải làm sao? Hãy thử thay đổi phương pháp ăn cho bé

Hãy thử thay đổi phương pháp ăn để giúp trẻ hứng thú hơn với việc ăn uống

Cách giải quyết

Rõ ràng, nếu lúc này chúng ta cứ cố tình ép cho con ăn đồ ăn nghiền nhuyễn thì mọi chuyện sẽ càng tệ hơn mà thôi. Vậy nên, nếu bé nhà mẹ cũng gặp phải tình trạng tương tự như trên thì hãy:

Thay đổi loại đồ ăn cho trẻ. Chuyển từ ăn nhuyễn sang ăn thô hoặc ngược lại. 

Thay đổi kiểu ăn cho trẻ. Có thể để trẻ làm chủ với đồ ăn thay vì mẹ đút. Trẻ nhỏ vốn thích sự khám phá mà.

Trẻ bước vào giai đoạn thay đổi hay phát triển sinh lý, thể chất

Cho đến khi được 2 tuổi, trẻ sẽ có rất nhiều thay đổi về sinh lý, về thể chất. Chẳng hạn như trẻ bước vào giai đoạn tập bò, tập đi, mọc răng, tập nói,… Và ở những thời điểm này có thể trẻ sẽ chẳng hứng thú với việc ăn uống nữa. Có nhiều mẹ vì quá lo lắng đến việc trẻ biếng ăn phải làm sao mà vô tình quên đi những thay đổi thể chất của bé. 

Chẳng hạn, khi bé mọc răng, sự phát triển của các mầm răng sẽ khiến bé bị đau và khó chịu khi nhai đồ ăn. Hoặc khi bước vào giai đoạn tập đi, trẻ sẽ cảm thấy hứng thú hơn với việc đi lại, vận động, chạy nhảy hơn là việc phải ngồi im một chỗ để ăn….

Cách giải quyết

Duy trì sữa mẹ cho bé. Sữa mẹ giúp cung cấp dưỡng chất cho sự phát triển khỏe mạnh ở trẻ. Đặc biệt dưới 1 tuổi thì sữa vẫn là nguồn dinh dưỡng chủ yếu của bé. 

Lựa chọn loại thực phẩm hay món ăn mà trẻ thích ăn. Việc cố ép bé ăn lúc này sẽ khiến trẻ thêm mệt mỏi, cáu gắt và có thể hình thành nên tâm lý sợ ăn. Điều này sẽ ảnh hưởng không tốt đến việc ăn uống của trẻ sau này. Mình đã chứng kiến rất nhiều bé ăn uống trong tình trạng “cơm chan nước mắt”. Khi người xung quanh nạt nộ, ép ăn. Còn đứa bé thì vừa ăn vừa khóc lóc. 

Nếu trẻ không ăn cơm, mẹ có thể thay thế bằng bánh mì, phở, khoai,.. Nếu trẻ lười ăn rau mẹ có thể cho bé ăn trái cây hoặc các loại bánh làm từ rau,…

Hầu hết tình trạng biếng ăn do những thay đổi sinh lý này chỉ diễn ra trong vài ngày. Vì vậy mẹ hãy bình tĩnh và kiên trì cùng trẻ bước qua giai đoạn này nhé.

Bé bước vào các giai đoạn khủng hoảng

Đối với bé nhà mình, gần đây nhất là giai đoạn khủng hoảng tuổi lên 2. Bên cạnh các dấu hiệu như hay la hét, ăn vạ, khóc lóc vô cớ, nói “không” với mọi thứ thì bé có dấu hiệu biếng ăn. Bé hầu như không ăn thịt cá mà chỉ ăn rất ít cơm và rau. 

Ngoài ra, bé sẽ gặp phải nhiều tuần khủng hoảng và có thể có bé sẽ biếng ăn trong thời gian này. Mẹ nên chú ý quan sát để chăm sóc bé tốt hơn.

Cách giải quyết

Không cố ép trẻ ăn. Ép trẻ ăn là cách rất tệ khiến trẻ có dấu ấn không tốt về việc ăn uống. 

Hãy để trẻ được lựa chọn, tất nhiên là trong giới hạn cho phép. Thay vì hỏi “Con có ăn cơm không” thì hãy hỏi “Con ăn cơm hay ăn khoai lang” “Con ăn thịt hay ăn cá”. Cái này rất cần sự kiên trì và nhẫn nại của mẹ này.

Kiên trì và tạo môi trường ăn uống lành mạnh cho con. Hãy để con ngồi ăn cơm cùng ba mẹ hoặc gia đình. Hãy để bé cảm nhận được mình là một thành viên trong gia đình. Không khí và thái độ ăn uống của mọi người trong gia đình sẽ khiến bé hứng thú hơn với giờ ăn.

Bổ sung thêm một số loại vitamin cần thiết như kẽm, vitamin D, canxi,… nếu như mẹ lo lắng bé bị thiếu chất.

Trẻ biếng ăn phải làm sao? Hãy để cảm nhận được không khí ăn uống trong gia đình

Trẻ biếng ăn phải làm sao? Hãy cho trẻ cảm nhận được không khí ăn uống gia đình

Cho bé ăn vặt trước giờ ăn

Một trong những tâm lý chung của các bà mẹ có con biếng ăn là luôn sợ con đói. Và bất cứ thời điểm nào trong ngày đều có thể cho bé ăn với suy nghĩ “được miếng nào hay miếng đó” và ăn được gì thì tốt thứ đó.

Chính vì vậy, bất cứ thời gian nào trong ngày, nếu con thích ăn, muốn ăn mẹ sẽ cho con ăn. Hoặc cho con ăn mọi thứ nếu con có thể ăn được. 

Bên cạnh đó, nhiều gia đình còn có thói quen cho bé ăn các loại đồ ăn vặt như bim bim, bánh, kẹo,… Những đồ ăn này vừa không tốt cho sức khỏe của bé, lại vừa khiến bé luôn có cảm giác no bụng. Và kéo theo đó là bé sẽ không ăn thức ăn, không ăn cơm khi đến giờ ăn nữa.

Cách giải quyết

Không cho bé ăn vặt quá nhiều. Nhất là khi đã gần đến giờ ăn. Bé cần một quãng thời gian vừa đủ (tùy từng bé và tùy từng độ tuổi, cái này mẹ nên quan sát nhé. Ví dụ bé nhà mình hiện tại là khoảng 4 đến 4 tiếng rưỡi) để có thể cảm thấy đói bụng. Khi bé đói bụng, chắc chắn bé sẽ tự giác đòi ăn. Hãy để cho bé được đói. (Mình thấy cái này rất quan trọng và hữu nghiệm đối với nhiều bé đang gặp phải tình trạng biếng ăn này.)

Tạo cho trẻ một thói quen ăn uống nhất quán. Hãy để trẻ biết rằng, khi nào là giờ ăn, khi nào là giờ chơi,… Mỗi khi đến giờ ăn, hãy nói to với bé kiểu như “Đến giờ ăn cơm rồi, nhà mình cùng ăn cơm thôi”. Có thể một vài lần bé sẽ phớt lờ với lời nói đó của ba mẹ. Nhưng cứ kiên trì như thế nhiều lần, chắc chắn bé sẽ có phản ứng lại và ngồi vào bàn ăn cùng ba mẹ. 

Nhắc nhở mọi người trong gia đình hạn chế cho bé ăn vặt. Trong trường hợp mẹ không trực tiếp trông bé thì việc này là cần thiết. 

Trẻ bị ốm, bị mệt hoặc gặp một bệnh lý nào đó

Khi bé bị bệnh, ốm, sốt, cơ thể mệt mỏi thì việc bé biếng ăn, từ chối đồ ăn cũng là điều dễ hiểu. Vậy nên với việc bé biếng ăn xuất phát từ nguyên nhân này, mẹ cũng không nên sốt ruột mà ép bé ăn uống. Thay vào đó hãy nương theo sở thích của bé. Bên cạnh đó hãy xin ý kiến của bác sĩ để đảm bảo dinh dưỡng cũng như sức khỏe, giúp bé mau khỏi bệnh nhé.

Trẻ biếng ăn phải làm sao, một vấn đề rất cần sự nhẫn nại, kiên trì quan sát và tìm hiểu của ba mẹ. Đừng vì bất kỳ một lý do gì mà cố gắng thúc ép trẻ ăn, đi dong, xem ti vi, hay bất cứ thói quen ăn uống xấu nào sau này. 

Những chia sẻ trên đây là từ quan điểm cá nhân của mình. Hy vọng sẽ phần nào đưa ra những gợi ý cho ba mẹ về vấn đề trẻ biếng ăn. Nếu ba mẹ có gợi ý nào khác, hãy cùng chia sẻ để các ba mẹ cùng tham khảo nhé.

Có thể mẹ cần:

Thực đơn bữa sáng cho bé ăn dặm BLW (nhanh gọn, đủ chất)

Các loại sữa hạt quen thuộc cho bé


Bạn có thích bài viết này? Nếu có hãy theo dõi blog nhiều hơn nữa để mình có thêm động lực cho những chia sẻ tiếp theo nhé.

Mình cảm ơn nhiều,

 

 

Leave a Reply