Trẻ 6 Tháng Tuổi Biết Làm Gì? Gợi Ý Các Hoạt Động Cho Trẻ Độ Tuổi Này

Vậy là bé yêu nhà mẹ đã được 6 tháng tuổi rồi. Một cột mốc quan trọng và đáng nhớ trong hành trình phát triển của bé. Và giờ đây, mẹ đang thắc mắc rằng, trẻ 6 tháng tuổi biết làm gì rồi? Các kỹ năng của bé phát triển ra sao. Mẹ nên làm gì để có thể chăm sóc con tốt nhất trong giai đoạn này. 

Trong bài viết này, mình sẽ chia sẻ những vấn đề mà mẹ đang quan tâm. Bên cạnh đó, mình cũng đã tổng hợp một số hoạt động phù hợp cho các bé từ 6 tháng tuổi. Giúp bé phát triển các kỹ năng vận động, tư duy một cách tốt hơn.

Mình cùng bắt đầu tìm hiểu nhé,

#1 Sự phát triển khả năng vận động của trẻ 6 tháng tuổi? Gợi ý hoạt động cho bé

Lúc này, các kỹ năng vận động tinh và vận động thô của bé đều phát triển nhanh chóng. Thậm chí, với một số bé được ba mẹ áp dụng các bài tập hay phương pháp giáo dục sớm thì khả năng vận động có thể khiến mẹ bất ngờ.

Kỹ năng vận động tinh

Ở độ tuổi này, bàn tay của bé đã có thể thực hiện nhiều động tác, nhiều hành động khá tốt như:

  • Bàn tay của bé đã thả lỏng hơn, nắm mở nhanh chóng. Bé đã có thể chụm tay để thực hiện các động tác như cào, cấu, vỗ tay,…
  • Bé đã có thể vươn tay ra xe để lấy một món đồ vật nào đó. Sau đó nắm gọn trong lòng bàn tay hoặc truyền từ tay này sang tay kia.
  • Bé có thể cầm, nắm đồ vật và thực hiện nhiều hành động như nắm, ném, lắc lư hay đưa lên miệng. Tuy vậy, khả năng cầm mới chỉ dừng lại ở những đồ vật có kích thước to, dài. Và hành động này vẫn cần đến sự kết hợp của cả 5 ngón tay. Các ngón tay của bé vẫn còn có sự lóng ngóng, chưa thực sự khéo léo.
  • Bé cũng có thể sử dụng bàn tay để nắm bàn chân và thậm chí kéo cả chân vào miệng nữa.

Trẻ 6 tháng tuổi đã có thể sử dụng bàn tay linh hoạt hơn

Trẻ 6 tháng tuổi đã có thể sử dụng bàn tay khá linh hoạt (Nguồn: pexels.com)

Những hoạt động phát triển kỹ năng vận động tinh cho bé:

Việc của ba mẹ thời gian này đó là hãy chuẩn bị cho bé các món đồ chơi đa chất liệu. Đó có thể là nhựa, là gỗ hoặc là vải, bông. Thậm chí là đơn giản như giấy, bìa,… Vừa giúp bé thích thú với việc cầm, nắm để ngón tay linh hoạt hơn. Vừa là cơ hội để bé trải nghiệm đa giác quan hiệu quả. Ngoài ra mẹ nên thay đổi vị trí cho bé thường xuyên. Mục đích cho bé có những trải nghiệm, những thử thách hay cảm giác mới khi vận động ở những vị trí khác nhau. 

Một số hoạt động cho bé mẹ có thể tham khảo như: 

  • Cho bé chơi cùng với những quả bóng. Hãy lựa chọn bóng với kích thước đa dạng, to nhỏ khác nhau. Cùng bé thực hiện các động tác cầm, ném không chủ đích hoặc có chủ đích (ném vào giỏ, ném vào hộp,…). Quá trình thực hiện các động tác cầm, ném lặp đi lặp lại sẽ giúp cho phần cổ tay và ngón tay của bé trở nên cứng cáp và linh hoạt hơn.
  • Lật, giở sách. Hoạt động lật giở sách cũng là cách để rèn luyện đôi bàn tay của bé trở nên khéo léo hơn đấy mẹ nhé. Hơn nữa, hoạt động cùng sách cũng mang đến rất nhiều lợi ích khác cho bé giai đoạn này. Chẳng hạn như phát triển khả năng nhận biết, khả năng ngôn ngữ,…

Một lưu ý nhỏ đó là ba mẹ hãy tham gia các hoạt động cùng bé, hướng dẫn hoặc làm mẫu cho bé. 

Kỹ năng vận động thô

Trẻ 6 tháng tuổi trở đi hầu hết đã thực hiện được rất nhiều hoạt động:

  • Bé có thể lật, lẫy thành thạo.
  • Nhiều bé đã có thể tự ngồi mà không cần sự hỗ trợ nào. Ở độ tuổi này, cơ lưng của bé đã phát triển khá mạnh, bé có thể ngồi và điều khiển cơ thể khi ngồi. Tuy nhiên, bé vẫn chưa thể chuyển được tư thế khi từ vị trí bò hoặc nằm sang ngồi.
  • Một số bé đã biết bò khá tốt. Đa số các bé đã có thể tự chống hai tay, hai chân và đẩy người về phía trước để di chuyển. Bé sẽ nhận thấy việc trườn bò, dướn người về trước khá thú vị. Vậy nên có lúc mẹ sẽ thấy bé hứng thú với việc này cả ngày không chán. Việc của mẹ là tạo môi trường an toàn cho bé thỏa sức thực hiện các động tác.
  • Khi đỡ lưng bé đứng dậy, các bé có thể nhún nhảy.

Bé 6 tháng tuổi có thể bò khá tốt

Nhiều bé 6 tháng tuổi đã có thể bò khá tốt (Nguồn: pexels.com)

Hoạt động giúp bé phát triển vận động thô

Lúc này, mẹ nên cùng bé thực hiện các hoạt động giúp tăng cường sự cứng cáp, dẻo dai của các khớp, các cơ chân, tay, hông, lưng. Mẹ có thể chuẩn bị các món đồ chơi với màu sắc bắt mắt, âm thanh vui nhộn để kích thích bé thực hiện nhiều động tác hơn. Hoặc thiết kế một số trò chơi cho bé trong giai đoạn này. Ví dụ như:

  • Đặt bé nằm sấp, trước mặt bé mẹ bày các món đồ chơi bắt mắt. Sau đó để bé tự sử dụng cánh tay và chân nâng ngực và bụng lên để bò về phía đồ chơi.
  • Cho bé nằm sấp, hai chân nâng cao ra phía sau. Sau đó để bé tự nằm chơi trong tư thế đó.
  • Chơi trò chơi “kéo cưa lừa xẻ” cùng bé. Mẹ chủ động đưa tay ra để bé nắm vào, thực hiện các động tác kéo đẩy nhẹ nhàng. Kèm theo đó là đọc các câu đồng dao giúp bé hứng thú với trò chơi hơn.
  • Để bé ngồi chơi tự do với các đồ chơi bé thích.
  • Mẹ cũng có thể đỡ bé đứng dậy, thả bé ra và để phần chân của bé chịu toàn bộ trọng lượng cơ thể trong chốc lát.

Lưu ý: Mẹ nên để những đồ vật không an toàn tránh xa tầm với của bé. Bởi lúc này, bé sẽ rất tò mò khám phá và có thể vươn tay ra để lấy bất cứ đồ vật nào. 

#2 Sự phát triển về tư duy ở trẻ 6 tháng tuổi? Gợi ý hoạt động cho bé

Về khả năng giao tiếp

Khi được 6 tháng tuổi, khả năng nghe và nhìn của bé đã phát triển khá hoàn thiện. Vì vậy mà kỹ năng giao tiếp của bé cũng sẽ phát triển một cách nhanh chóng.

  • Bé dần học được việc sử dụng các phương tiện  ngôn ngữ khác nhau như khóc, ê a, hét to,… để nhận được sự phản hồi người xung quanh, của ba mẹ.
  • Bé chú ý nhiều hơn đến giọng nói của mọi người, biết phân biệt được giọng nói của ba mẹ, của người lạ. Mẹ sẽ nhận thấy sự thoải mái của bé khi tiếp xúc với người thân quen. Và bé bắt đầu có dấu hiệu chần chừ hay sợ hãi đối với người lạ.
  • Bé cũng có thể bi bô suốt ngày, cử chỉ, cảm xúc được thể hiện rõ hơn trên nét mặt.
  • Bé đáp lại khi nghe ba mẹ hoặc người thân gọi tên.

Trẻ 6 tháng tuổi đã biết ê a theo lời mẹ nói

Bé biết phản hồi lại với tiếng gọi của người thân (Nguồn: pexels.com)

Hoạt động cùng bé giúp tăng khả năng giao tiếp

Ngoài việc tìm hiểu trẻ 6 tháng tuổi biết làm gì, mẹ nên chú ý đến các hoạt động cùng với bé. Bởi đây cũng được coi là thời gian vàng để bé phát triển vượt trội nếu như có sự tác động phù hợp. 

Ở đây để giúp tăng khả năng giao tiếp, giúp bé nhanh chóng biết nói, ba mẹ có thể áp dụng một số hoạt động như:

  • Trò chuyện cùng bé mỗi ngày. Mẹ sẽ nhận thấy bé ê a rất đáng yêu, gương mặt đầy biểu cảm khi mẹ nói chuyện. Mẹ hãy dùng lời nói và cả hành động để đáp lại bé nhé. Đây là cách tuyệt vời để bé yêu nhanh biết nói hơn, học hỏi được nhiều điều hơn.
  • Đọc sách cho bé nghe. Giai đoạn này, việc mẹ cho bé tiếp xúc với sách, đọc sách cho bé nghe sẽ giúp mở rộng vốn từ vựng, khả năng nghe nhìn của bé. Điều kỳ diệu sẽ đến sau một vài tháng nếu như mẹ kiên trì đọc sách cho bé nghe mỗi ngày.
  • Hát cho bé nghe hoặc cho bé nghe các bài hát thiếu nhi vui nhộn. Một hoạt động thú vị giúp tăng khả năng nghe cho bé. Mẹ có thể sử dụng chiếc đài nhỏ, lưu một vài bài hát phù hợp để cho bé nghe mỗi ngày.

Gợi ý cho mẹ: 5 tuyệt chiêu dạy bé tập nói sớm mẹ không nên bỏ qua

Sự phát triển khả năng nhận biết, cảm xúc của trẻ 6 tháng tuổi

Bên cạnh sự phát triển về khả năng giao tiếp, nhận biết, cảm xúc của bé ở giai đoạn này cũng có nhiều thay đổi.

  • Thị lực bé phát triển mạnh mẽ, bé phân biệt nhận biết được thêm nhiều màu sắc.
  • Bé tò mò và thích chạm vào những đồ vật có kết cấu, trạng thái khác nhau. Chẳng hạn như bé rất thích nghịch với nước.
  • Bé dễ bị thu hút bởi các vật thể lớn, sáng và màu sắc ấn tượng.
  • Thời gian này, bé cũng có thể cảm nhận được sự thoải mái khi ở trong vòng tay của những người thân quen. Và bé sẽ trở nên khó chịu, quấy khóc khi phải tiếp xúc với người lạ.

Trẻ 6 tháng dễ bị thu hút bởi các đồ vật lớn, màu sắc tươi sáng

Bé dễ bị thu hút bởi các vật thể lớn, màu sắc rực rỡ (Nguồn: pexels.com)

Ở giai đoạn phát triển này của bé mẹ nên:

  • Cho bé tiếp xúc với nhiều loại đồ vật, màu sắc khác nhau. Mẹ có thể đọc to hay chỉ tên đồ vật hay màu sắc để có thể nghe và nhìn thấy. Một số bộ thẻ Flashcard sẽ phù hợp cho bé giai đoạn này.
  • Cho bé ra ngoài để bé có thể khám phá sự vật xung quanh. Mẹ cũng nên cho bé chạm tay vào nhiều vật thể, ví dụ như cái lá cây, bông hoa, quả táo,… để bé có những cảm nhận chân thực nhất về sự vật.
  • Cho bé giao tiếp với mọi người là cách để bé mở rộng vốn từ, hoạt bát hơn.

6 tháng tuổi, giai đoạn đánh dấu nhiều sự thay đổi vượt bậc của trẻ. Đây cũng là giai đoạn trẻ bước vào một “hành trình” mới, đó là ăn dặm. Tiếp đó là nhiều bước tiến mới khác như tập đi, tập nói,… Đó cũng là lý do mà vấn đề trẻ 6 tháng tuổi biết làm gì được rất nhiều mẹ bỉm quan tâm.

Hy vọng rằng, với những chia sẻ trên đây, mẹ sẽ có thêm nhiều thông tin để đồng hành một cách tốt nhất trong hành trình lớn khôn của bé yêu.

Và nếu mẹ có thêm gợi ý nào về vấn đề này thì hãy chia sẻ ngay cùng các ba mẹ nhé.

Chúc mẹ và bé luôn vui khỏe.


Bạn có yêu thích bài viết này? Nếu có hãy theo dõi blog nhiều hơn nữa để mình có thêm động lực cho những chia sẻ tiếp theo. Bằng cách nhấn đăng ký vào mục bên dưới, bạn cũng sẽ nhận được những bài chia sẻ mới hàng tuần.

Mình cảm ơn nhiều,

Leave a Reply