Rèn Luyện Thói Quen Tốt Cho Bé 2 Tuổi. Mình Đã Làm Như Thế Nào?

Rèn luyện các thói quen tốt cho bé 2 tuổi, thậm chí là ngay từ khi bé nhỏ hơn là một việc hết sức nên làm. Thực tế từ những gì mình quan sát trong cuộc sống hàng ngày càng chứng minh điều này là đúng đắn hơn.

Ngay sát nhà có một bạn chạc tuổi con gái mình. Chiều chiều, tầm 5h hơn là thấy hai mẹ con ngoài đường. Con chạy trước, mẹ bưng bát cơm chạy sau. Thỉnh thoảng, chị ấy lại phải chạy đến giữ tay con bé lại và đút cho miếng cơm. Chị nói :“Cho nó ăn cơm mà như cực hình vậy á”.

Rồi có một bạn nữa, cũng gần nhà mình, gần 3 tuổi và luôn được bà ngoại kêu là “chúa ăn vạ”. Mỗi lần ăn vạ là y như rằng kêu gào, khóc lóc cả xóm nghe thấy.

Mọi người quanh xóm vẫn khen con gái mình trộm vía ngoan. Chả thấy khóc lóc, ăn vạ mấy. Ăn uống thì ngồi ghế như người lớn…. Nhưng đâu ai biết tất cả là do tập, do rèn luyện mà tạo thành thói quen thôi.

1.Tại sao nên rèn luyện thói quen tốt cho trẻ ngay từ sớm?

Có một câu nói rất quen thuộc mà chắc sẽ rất nhiều mẹ biết “ Gieo một hành động gặt một thói quen; gieo một thói quen gặt một tính cách; gieo một tính cách gặt một số phận.” Điều này cho thấy, thói quen có một sức mạnh rất lớn đối với cuộc đời mỗi người. Thói quen có thể theo ta trong suốt quá trình trưởng thành và có ảnh hưởng nhất định đến cuộc sống, sự thành công… của chúng ta.

Thói quen có ảnh hưởng lớn để quá trình trưởng thành của trẻ

Thói quen có ảnh hưởng quan trọng trong cuộc đời mỗi người

Việc vun đắp, rèn luyện thói quen tốt cho bé ngay từ khi còn nhỏ là một vấn đề khá quan trọng. Bởi:

Trước tiên, khi trẻ có những thói quen tốt, ba mẹ sẽ “nhàn” hơn rất nhiều. Mẹ sẽ không phải chạy theo đút cơm cho con ăn, không phải gào thét, nhắc nhở con đi tắm, đi học bài, không phải mệt mỏi, áp lực với tiếng khóc của những cơn ăn vạ liên tục…. 

Thứ hai, thói quen tốt tạo một “bàn đạp” thuận lợi hơn cho sự phát triển, trưởng thành sau này của con. Ví dụ tập cho bé thói quen không trì hoãn, sau này khi đi học, trẻ sẽ không trì hoãn trong học tập. Tập cho bé thói quen có thói quen tự lập, sau này trưởng thành con sẽ mạnh mẽ và khả năng tự giải quyết nhiều vấn đề. 

Thứ ba, rèn luyện một thói quen tốt cho bé dần dần sẽ hình thành nên tính cách tốt. Một đứa trẻ có tính cách tốt chắc chắn sẽ được mọi người yêu mến, tin tưởng. Sau này khi lớn lên cũng dễ dàng thành công hơn trong công việc và cuộc sống.

Có thể nhiều ba mẹ lo lắng, ở giai đoạn 2-3 tuổi, bé còn khá nhỏ nên việc rèn luyện cho bé nhiều thói quen như vậy dễ khiến bé bị áp lực, mệt mỏi. Tuy nhiên, ba mẹ có thể bắt đầu với bé từ những hành vi, thói quen nhỏ thường ngày trong ăn uống, vệ sinh thân thể (chải răng, tắm rửa…), thói quen đọc sách, lắng nghe… Cùng với sự phát triển của trẻ mà ba mẹ dần tập cho bé nhiều thói quen tốt khác như: tư duy độc lập, không trì hoãn, sống có trách nhiệm… Trẻ em ban đầu, bé nào cũng ngoan. Nhưng trong quá trình phát triển, trưởng thành, do môi trường sống, sự giáo dục của cha mẹ mà hình thành nên những hành động, hành vi và lâu dần sẽ thành thói quen có thể tốt, có thể xấu. 

Ở giai đoạn 2-3 tuổi, việc rèn luyện thói quen tốt cho trẻ vừa khó lại vừa dễ. Khó bởi vì ở độ tuổi này, trẻ chưa thực sự “giỏi” trong việc biểu đạt và nói rõ những cảm xúc, suy nghĩ, mong muốn của mình với người lớn. Trẻ cũng chưa có khả năng điều tiết cảm xúc của mình tốt. Vì vậy, đôi khi ba mẹ cũng khó hiểu bé muốn gì, cần gì và cũng dễ mất bình tĩnh, cáu giận khi trẻ khóc lóc, đòi hỏi. Dễ vì trẻ còn nhỏ, chưa được tiếp xúc nhiều với những hành vi, hành động xấu. Vậy nên, việc ba mẹ tập cho trẻ những hành vi tốt, thói quen tốt ngay từ sớm sẽ nhanh hơn, hiệu quả hơn là khi trẻ lớn 4, 5 tuổi. Trẻ càng lớn, việc rèn một thói quen tốt cho trẻ sẽ càng khó hơn.

2.Cách mình đã rèn một số thói quen tốt cho bé 2 tuổi

May mắn là từ khi mang bầu, mình đã được đọc và xem một số cuốn sách, một số mẹ bỉm sữa chia sẻ về cách rèn cho bé ăn uống tự lập, chơi tự lập… Vì vậy, có một số thói quen mình đã thực hiện và áp dụng ngay từ khi bé còn nhỏ. Ví dụ như:

Rèn thói quen chơi tự lập

Mẹ có thể tham khảo bài viết về cách rèn bé tự chơi (chơi tự lập) mà mình đã chia sẻ trước đây. Thói quen này mình bắt đầu rèn cho bé từ khi còn sơ sinh bằng cách cho bé nằm chơi một mình trên giường, hạn chế bế ẵm… Khi bé có thói quen chơi tự lập, mẹ sẽ có nhiều thời gian hơn để làm việc nhà, nghỉ ngơi và hạn chế tình trạng bé bám mẹ.

Chơi tự lập là một thói quen tốt cho bé cần rèn luyện từ nhỏ

Chơi tự lập là một thói quen tốt cho bé cần được ba mẹ quan tâm ngay từ nhỏ

Thói quen ngồi trong ghế khi ăn

Bé nhà mình ăn dặm theo phương pháp bé tự chỉ huy (BLW). Vậy nên, ngay từ khi bắt đầu ăn dặm mình đã tập cho bé ngồi ăn trong ghế ăn dặm. Cứ đến giờ ăn, bé sẽ được cho ngồi vào ghế. Vậy nên không có tình trạng bé vừa chạy nhảy vừa ăn. Thói quen tốt cho bé trong ăn uống thực sự rất cần thiết bởi nó sẽ mang đến rất nhiều lợi ích cho sức khỏe. Hơn nữa, mẹ cũng bớt bị áp lực hơn mỗi trong việc cho bé ăn. 

Thói quen đọc sách

Xây dựng được thói quen đọc sách sẽ giúp ích rất nhiều cho sự phát triển nhận thức, tư duy, ngôn ngữ… của trẻ. Mình duy trì việc đọc sách cho bé mỗi ngày từ khi còn rất nhỏ (bắt đầu khi bé được 2 tháng tuổi). Cho đến bây giờ đọc sách đã trở thành một thói quen và sở thích của bé. Để tạo được thói quen này ngoài việc cùng bé đọc sách mỗi ngày, ba mẹ cũng nên chú ý đến việc lựa chọn đầu sách phù hợp với độ tuổi của bé, sở thích của bé. Bên cạnh đó, việc ba mẹ thường xuyên tương tác với bé trong quá trình đọc sách cũng giúp bé cảm thấy việc đọc sách thú vị hơn. Ba mẹ có thể tham khảo kỹ hơn về 7 bí quyết giúp hình thành thói quen đọc sách cho bé mà mình đã chia sẻ trước đây. 

Đến khi bé lớn hơn, trên 2 tuổi, mình bắt đầu tập một số thói quen cần thiết như:

Thói quen đánh răng mỗi ngày

Mình nhận thấy các em bé ban đầu sẽ chẳng có hứng thú gì với việc đánh răng cả. Nhất là buổi tối, đang chơi đồ chơi mà mẹ bảo đi đánh răng đi ngủ thì càng khó hơn. Tuy nhiên, đây là việc cần làm và để trẻ tự giác mỗi ngày thì không còn cách nào khác là tạo thành một thói quen cho trẻ. Bản thân mình tập thói quen này cho bé bằng cách:

Giải thích cho bé tại sao cần đánh răng: cho bé xem các cuốn sách có đề cập đến vấn đề này (Cổ Oai ơi, đánh răng hai lần mỗi ngày nhé – một cuốn sách về y khoa khá hay và hữu ích, sách ehon Cùng đánh răng nào…). Mẹ hãy luôn nói với bé rằng đánh răng mỗi ngày là một thói quen tốt cho bé, giúp răng trắng, sạch, không bị sâu. Và mọi người đều nên đánh răng mỗi ngày. Nếu con không đánh răng thì sẽ như thế nào? (răng bị sâu đen, rất đau và con sẽ không ăn được gì hết…)

Cổ Oai ơi, bộ sách về giáo dục y khoa nhẹ nhàng được viết bởi bác sĩ Huyên Thảo. Bộ sách cung cấp những kiến thức y khoa như chăm sóc sức khỏe đúng cách, phòng ngừa tai nạn…. Mỗi cuốn sách là một câu chuyện nhỏ với anh chàng Cổ Oai ngộ nghĩnh, giúp hình thành cho bé những thói quen tốt như ăn nhiều rau xanh, đánh răng mỗi tối, rửa tay sạch sẽ…. Ba mẹ có thể tham khảo bộ sách tại đây.

Dẫn bé đi đánh răng cùng mẹ, làm gương cho bé trước. 2-3 tuổi là giai đoạn bé cũng khá thích bắt chước. Vậy nên, khi nhìn thấy ba mẹ đánh răng, các bé cũng thích thú cầm bàn chải đánh theo.

Để bé tự đánh răng. Thay vì mẹ đánh cho bé thì hãy để bé tự cầm bàn chải đánh răng. Được tự mình thực hiện bé sẽ không có cảm giác bị ép buộc và dễ dàng hợp tác hơn.

Mẹ cũng nên chọn cho bé một chiếc bàn chải xinh xinh và một loại kem đánh răng có hương vị thật ngọt ngào. Đến giờ đi đánh răng, mẹ chỉ cần thông báo cho bé trước khoảng 5 phút và nhớ nhắc tới chiếc bàn chải hình sử tử, hình gấu hay hình hoa để bé chú ý tới lời mẹ nói hơn. 

Gợi ý cho mẹ: Review kem đánh răng Chicco cho bé có nuốt được không?

Thói quen dọn dẹp đồ chơi

Mỗi ngày phải dọn cả đống đồ chơi cho con cũng khá mệt mỏi. Chi bằng mẹ hãy tạo thói quen dọn dẹp đồ chơi cho bé. Đây là một thói quen tốt cho bé, giúp bé hình thành tính cách ngăn nắp, gọn gàng và có trách nhiệm hơn với những việc mình làm. Và quan trọng là ba mẹ cũng đỡ mệt mỏi, bực tức khi suốt ngày phải dọn dẹp chỗ này, chỗ kia. Để hình thành thói quen dọn đồ chơi cho bé, mình đã:

– Ngừng việc phàn nàn, cáu gắt vì đồ chơi bừa bộn. Mình nhận thấy dường như càng phàn nàn nhiều, càng nói nhiều thì bé dường như càng “chống đối” lại mẹ nó vậy. 

– Dọn dẹp đồ chơi cùng con. Thay vì chỉ yêu cầu bé “dọn đồ chơi đi con”, mình sẽ nói với bé “hai mẹ con mình cùng dọn đồ chơi nào”. Sau đó mẹ ngồi xuống dọn và khuyến khích bé dọn cùng mẹ.

– Khen ngợi con. Sau mỗi lần con hợp tác cùng mẹ dọn đồ chơi, mình thường sẽ khen ngợi bé “Hôm nay con dọn đồ chơi gọn gàng chưa này”… Khen ngợi sẽ giúp bé cảm thấy vui hơn với việc mình vừa làm và có thể tự giác hơn ở lần sau.

– Nếu được, mẹ nên chuẩn bị cho bé kệ để đồ chơi hoặc hộp đựng cho từng loại đồ chơi. Như vậy sẽ hạn chế được tình trạng đồ chơi lộn xộn, không biết sắp xếp thế nào.

Ngoài ra còn khá nhiều thói quen tốt cho bé cần mẹ quan tâm ở giai đoạn 2-3 tuổi như: thói quen tự giác đi tắm, bỏ rác đúng nơi quy định, chào hỏi, cảm ơn… Mặc dù nhỏ nhưng đều cần thiết cho sự trưởng thành của bé. Mẹ có thể từ từ, mỗi ngày thực hiện một chút, không ép buộc bé. Tuy nhiên, để tạo được một thói quen tốt, ba mẹ cũng phải thật kiên trì, nhẫn nại, bình tĩnh, không vội vã để cả ba mẹ và con đỡ áp lực. Đã là thói quen thì không thể một sớm, một chiều là có thể thành công ngay được.

3.Một số điều mẹ cần lưu ý khi rèn luyện thói quen, hành vi tốt cho bé 2 tuổi

– Cố gắng thấu hiểu và đồng cảm với cảm xúc của con

Khi thấu hiểu và đồng cảm với cảm xúc của bé mẹ có thể tìm ra được cách giải quyết vấn đề hợp lý hơn. 

– Học cách bình tĩnh và kiên trì trong việc rèn thói quen tốt cho bé

Với trẻ nhỏ để tạo một thói quen tốt rất cần đến sự kiên trì, bình tĩnh của ba mẹ. Giống như câu chuyện của chị hàng xóm của mình. Chị cũng đã từng tập cho bé ngồi ghế ăn, nhưng lại không muốn con dùng tay cầm thức ăn. Và chỉ cần bé cầm chút cơm, chút rau chà lên bàn, vứt xuống đất là chị bắt đầu la lối, ngăn cấm bé. Rồi chỉ một vài lần, bé quay ngang quay ngửa, đòi xuống ghế chị đã nói “nó không chịu ngồi ghế”. Và từ đó mà việc tập ngồi ghế khi ăn cũng bị bỏ qua luôn. Vậy nên sự bình tĩnh, kiên trì là điều rất cần thiết khi chăm sóc con nhỏ.

– Không la mắng hay nói quá nhiều về lỗi lầm của trẻ

Sẽ rất khó để hình thành một thói quen tốt cho bé nếu như mẹ thường xuyên la mắng, phàn nàn về những việc bé đã làm. Nếu lỗi lầm bé gây ra không quá nghiêm trọng, mẹ có thể bình thường mọi chuyện hơn. Thay vì la mắng, hãy nhắc nhở và giải thích để bé hiểu và hướng dẫn bé nên làm như thế nào để phù hợp, để hạn chế mắc lỗi… 

– Cần sự thống nhất của chồng, người thân

———

Thói quen là thứ không thể một hai ngày là có được. Thói quen tốt lại càng khó hơn. Nhưng khi đã tạo được thói quen tốt rồi thì chúng ta sẽ thấy được rất nhiều lợi ích. Chính vì vậy, mình nghĩ rằng việc rèn luyện những thói quen tốt cho bé nên được quan tâm và thực hiện ngay từ khi còn nhỏ.  

Hy vọng rằng, với một vài chia sẻ và kinh nghiệm cá nhân trên đây sẽ phần nào giúp ba mẹ có thêm thông tin và gợi ý trong vấn đề này. Nếu như có ý kiến thú vị khác về vấn đề này, đừng quên bình luận phía dưới để các ba mẹ cùng tham khảo nhé.

Chúc ba mẹ và bé luôn vui!

Leave a Reply