Câu Chuyện Con Ếch Và Bài Học Về Sức Mạnh Của Lời Nói Với Con Trẻ

“Nó nhát lắm”, “Cu nhà chị nhát lắm”… Mỗi buổi chiều cho con gái đi dạo, tôi hay được nghe những câu nói như vậy của một chị trong xóm về cậu con trai của chị. Khi mọi người trong xóm hỏi bé, bé không trả lời hoặc không cho bế, mặc dù gặp gỡ thường xuyên. 

Tôi cũng không biết liệu đó có phải là biểu hiện của việc trẻ nhút nhát không. Hay đơn giản là bé cảm thấy chưa thân quen, chưa đủ an toàn để mở lòng. Và dù bé có nhát thật đi chăng nữa thì khi nghe những câu nói đó thực sự trong lòng tôi không hề dễ chịu chút nào. Và những câu nói đó lại được nói ra từ chính mẹ của bé. Bởi tôi biết rằng sức mạnh của lời nói ảnh hưởng đến con trẻ như thế nào. 

Tôi nhớ lại câu chuyện về con ếch đã đọc được trước đây. Một câu chuyện khá điển hình cho thấy lời nói có ảnh hưởng lớn lao như thế nào đến cuộc sống mỗi người. 

Câu chuyện như sau…

Có một bầy ếch đi dạo trong rừng. Do bất cẩn nên có hai con bị rơi xuống một cái hố sâu. Thấy vậy, các con ếch còn lại bu quanh miệng hố và tìm cách kéo chúng lên. Tuy nhiên, do hố quá sâu nên cuối cùng bầy ếch đều bỏ cuộc và nói với hai con ếch phía dưới rằng: chúng không thể lên được và chỉ có nước chết mà thôi. 

Tuy vậy, hai con ếch kia bỏ qua mọi lời nói và cố hết sức nhảy lên. Ở bên trên, bầy ếch đua nhau nói rằng chúng đừng phí sức nữa, chiếc hố quá sâu và chúng chỉ có nước chết mà thôi. Và sau nhiều lần nhảy, một con ếch cũng đành buông xuôi, nghe theo bầy ếch và nằm chết trong tuyệt vọng. 

Con ếch còn lại thì vẫn gắng sức nhảy lên mặc dù bầy ếch phía trên vẫn ra sức thét xuống, khuyên nó không nên nhảy nữa. Nó nhảy mỗi lúc một mạnh hơn và kỳ diệu thay đã thoát ra khỏi chiếc hố sâu. 

Sau khi ra khỏi hố, cả bầy ếch xúm vào hỏi rằng anh không nghe thấy chúng tôi nói hay sao?

Sự thật thì, con ếch này bị nặng tai và không hề nghe thấy những câu nói của bầy ếch phía trên. Nó những tưởng rằng bầy ếch đang cổ vũ và khích lệ nó nhảy lên. Chính vì vậy mà nó càng có động lực để nhảy thoát ra khỏi hố. 

câu chuyện con ếch về sức mạnh của lời nói

Bài học về sức mạnh của lời nói đối với con trẻ

Rõ ràng, lời nói có ảnh hưởng mạnh mẽ đến hành động và suy nghĩ. Và điều này dường như đúng với mọi đối tượng, mọi lứa tuổi. Với trẻ em, sự ảnh hưởng này càng quan trọng hơn. Đặc biệt, trong khoảng từ 1 đến 3 tuổi, giai đoạn phát triển vàng của trẻ, sự phát triển về mặt tâm lý theo chiều hướng tích cực hay tiêu cực phụ thuộc rất nhiều vào cách giao tiếp và ứng xử của những người xung quanh. 

Sức mạnh của lời nói tích cực đối với trẻ

Trong cuốn sách “Ngôn từ có thể thay đổi não bộ của bạn” của Tiến sĩ Andrew Newberg và Mark Robert Waldmen cho thấy việc sử dụng và tiếp thu các ngôn từ tích cực mỗi ngày có ảnh hưởng mạnh mẽ đến thùy trán, giúp nó được tập luyện và hoạt động có hiệu quả hơn. 

Thùy trán là một phần trong cấu tạo của vỏ đại não với nhiều chức năng quan trọng cho sự phát triển của trẻ, trong đó có sự phát triển về ngôn ngữ, hành vi và cảm xúc.

Các ngôn từ tích cực sẽ giúp thùy trán của trẻ phát triển ổn định, nhờ thế mà khả năng tưởng tượng sáng tạo được nâng cao. Các hành vi về vận động, cảm xúc cũng phát triển và được hình thành theo chiều hướng tích cực. Nhờ vậy bé sẽ luôn vui tươi và hạnh phúc. Bé sẽ luôn có tinh thần lạc quan, tràn đầy sức sống và luôn cảm nhận được hạnh phúc trong cuộc sống. 

Lời nói tiêu cực và những ảnh hưởng đến tâm lý, hành vi trẻ

Trong khi đó, những lời nói tiêu cực sẽ gây nên sự sợ hãi, lo lắng và bất an trong nhận thức và tâm lý của trẻ. Cụ thể như:

  • Khi chúng ta sử dụng lời nói và hành vi xấu đối với trẻ đồng nghĩa chúng ta vô tình gắn mắc bé với những hành vi xấu đó. Chẳng hạn như “sao con lười biếng quá vậy” là chúng ta đã vô tình gắn mác cho bé là một đứa trẻ lười biếng. Như câu chuyện về con ếch bên trên, chỉ vì nghe bầy đàn nói chiếc hố quá sâu, không thể thoát ra được mà sau dần nó cũng nghĩ là không thể thoát ra và nằm im chết.
  • Lời nói tiêu cực khiến trẻ tự ti, kìm hãm sự sáng tạo, trí tưởng tượng và xa hơn là sự phát triển trí tuệ của trẻ. Sẽ thế nào nếu như bạn luôn phải nghe những câu như “sao mày dốt vậy”, “sao mà lì thế”…
  • Những lời nói tiêu cực cũng là nguyên nhân gây nên những bất ổn tâm lý và vấn đề trầm cảm ở trẻ. Sức mạnh của lời nói tiêu cực đáng sợ hơn chúng ta nghĩ. 

“Tiếng nói của cha mẹ là tiếng nói của thần linh” – William Shakespeare

Những lời nói của cha mẹ, những người đầu tiên và luôn kề cạnh bé thời thơ ấu sẽ có ảnh hưởng sâu sắc đến phát triển tâm lý của trẻ. Qua quan sát hàng ngày chắc hẳn ba mẹ cũng sẽ phần nào thấy được tác động của lời nói đến hành vi tính cách của trẻ.

 

lời nói của bố mẹ có ảnh hưởng lớn đến con trẻ

Nếu có tìm hiểu sách “Người mẹ tốt hơn người thầy tốt” chúng ta sẽ thấy Chuyên gia giáo dục Doãn Kiến Lợi nêu rất rõ ràng rằng: “Ngôn ngữ không phải là không khí thở ra, nó sẽ không tiêu tan trong không trung một cách vô tăm tích. Chính vì thế không nên ăn nói bừa bãi trước mặt trẻ, không nên thích nói gì thì nói. Bất kỳ câu nói nào mà bố mẹ đã từng nói đều để lại dấu ấn sâu sắc trong trái tim trẻ, dấu ấn tốt tạo nên ảnh hưởng tốt, dấu ấn xấu chỉ có thể tạo ra ảnh hưởng xấu.”

Một đứa trẻ luôn vui vẻ, hạnh phúc, đầy năng lượng chắc chắn là luôn được động viên bởi những lời lẽ tích cực. Và một đứa trẻ suốt ngày lầm lì, cáu bẩn, bướng bỉnh chắc hẳn một phần nào bị ảnh hưởng bởi những ngôn từ tiêu cực.

Khi chia sẻ những điều này, tôi cũng liên tưởng đến bộ phim”Trái tim mùa thu” rất nổi tiếng trước đây. Cuộc sống thời niên thiếu của hai nữ diễn viên chính trong phim diễn ra ở hai hoàn cảnh gia đình khác biệt nhau. Sự khác nhau trong giáo dục, giao tiếp, thái độ của người trong gia đình phần nào ảnh hưởng đến tích cách của mỗi người. 

Tuy nhiên, việc luôn duy trì thái độ và lời nói tích cực với trẻ không phải là điều dễ dàng…

Có lẽ hầu hết bố mẹ sẽ đồng tình với điều này. Trẻ em, nhất là những đứa trẻ còn nhỏ, 2, 3 tuổi đang phát triển mạnh mẽ, nhiều đòi hỏi và sự tò mò khám phá. Chắc hẳn rất nhiều bố mẹ rơi vào tình trạng thiếu kiểm soát cảm xúc và không ít lần tức giận, bộc phát những lời không hay trước những hành động hay thái độ của trẻ. 

Và bên cạnh đó, khi trẻ ngày một lớn, các mối quan hệ giao tiếp không chỉ dừng lại ở bố mẹ, ông bà, anh chị trong gia đình. Mà bên cạnh đó còn những người xung quanh, họ hàng, làng xóm… 

Việc luôn cố gắng cho trẻ nhận được những lời nói tích cực sẽ trở nên khó khăn hơn. Tuy vậy, chúng ta vẫn nên cố gắng để hạn chế những ngôn từ tiêu cực cho trẻ.

Làm thế nào để hạn chế những lời nói tiêu cực với con trẻ?

Con ếch nặng tai trong câu chuyện bên trên, vì không nghe được những lời nói tiêu cực của bầy ếch nên đã thoát khỏi được chiếc hố sâu. Rõ ràng câu chuyện là một bài học sâu sắc cho chúng ta về việc sử dụng ngôn từ. Sức mạnh của lời nói đôi khi còn mạnh mẽ hơn cả những hành động mà chúng ta dễ dàng nhìn nhận thấy trước mắt.

Một vài điều để chúng ta hạn chế được những lời nói tiêu cực với trẻ

Mặc dù đôi lúc điều này khá khó khăn. Nhưng không muốn thì tìm lý do, muốn sẽ tìm cách. Mọi việc đều có cách giải quyết, quan trọng là chúng ta muốn hay không thôi. Và một vài điều chúng ta cần làm đó là:

  • Ba mẹ, người thân hãy hạn chế nói những lời tiêu cực, những câu trách móc. Những câu nói như “sao mày hư quá vậy”, “nhát quá, mạnh dạn lên”, “đồ lì lợm, khó bảo”… thực sự không dễ nghe chút nào. Đôi khi người lớn nghe còn chạnh lòng, xấu hổ huống chi là trẻ con. Vậy nên chúng ta hãy cố gắng bớt lại và tốt nhất đừng nói trước mặt con trẻ.
  • Giáo dục trẻ bằng cách thực hiện hoặc nhắc nhở hành vi. Chẳng hạn khi trẻ không cho bạn chơi đồ chơi cùng, thay vì nói “con đừng ích kỷ thế, cho bạn chơi cùng với, thế mới ngoan chứ”, hãy nói “con cho bạn xem chiếc ô tô có cửa màu đỏ đi nào, chắc bạn cũng thích đấy”. Một cách nói trung lập, xuất phát từ những đặc điểm mà trẻ thích sẽ dễ dàng để trẻ chia sẻ hơn. 
  • Sử dụng các câu cầu khiến hoặc mệnh lệnh trong hoàn cảnh phù hợp. Ví dụ khi trẻ mè nheo trong khu vui chơi và không chịu về, thay vì nói “con hư quá, mẹ về đây, con ở lại cho chú công an bắt”. Hãy nói “Mẹ về đây, con có 5 phút để ra lấy đồ và đi về. Nào 5 phút bắt đầu”. Tuy nhiên, chúng ta nên lưu ý khi nói những câu mệnh lệnh như vậy, nên ngồi xuống ngang tầm mắt trẻ, nhìn thẳng mắt trẻ và nói rõ ràng dứt khoát. Thái độ của ba mẹ khi nói cũng rất quan trọng, đừng để trẻ thấy được đó chỉ là một lời nói đùa, cợt nhả. Hơn nữa, sự kiên trì là điều rất cần thiết trong tình huống như thế này. Một, hai lần đầu với trẻ sẽ rất khó nhưng nhiều lần như vậy trẻ sẽ hiểu và thấy khóc lóc hay mè nheo cũng chẳng có tác dụng gì. 
  • Hạn chế những lời lẽ cằn nhằn. Một trong những đặc điểm của những bà mẹ bỉm sữa đó là hay cằn nhằn và nói đi nói lại một vấn đề nhiều lần. Điều này sẽ chỉ làm cho trẻ  mệt mỏi, khó chịu và lì lợm hơn mà thôi. 
  • Hạn chế cho trẻ tiếp xúc với những người luôn có thái độ hoặc lời nói tiêu cực. Muốn trẻ thành người như thế nào, hãy cho trẻ tiếp xúc với những người như vậy. Như tình huống mà tôi đã nêu đầu bài viết, tôi chọn giải pháp hạn chế cho con tiếp xúc với những người lớn hay nói những lời tiêu cực. Một vài lần có thể chưa có ảnh hưởng gì, nhưng cứ ngày nào đi chơi cũng được nghe câu nói đó, chắc chắn tâm lý con bé cũng sẽ bị xáo trộn phần nào. 

Kết luận

“Mỗi con người sinh ra đã là một thiên tài. Nhưng nếu bạn đánh giá con cá bằng khả năng leo cây của nó, nó sẽ sống cả cuộc đời tin rằng mình thật vô dụng” – Albert Einstein. Sử dụng ngôn từ thích hợp và tích cực với trẻ sẽ mang đến những điều hạnh phúc lớn lao cho trẻ. Bởi sức mạnh của lời nói đôi khi còn mạnh mẽ hơn chúng ta tưởng tượng. 

Đồng ý rằng tâm tính mỗi trẻ một phần do di truyền, do bản tính ban đầu. Nhưng tâm tính có thể thay đổi theo chiều hướng tốt hơn hoặc xấu đi. Một phần là do ảnh hưởng của môi trường sống, thái độ và quá trình giao tiếp của những người xung quanh.

Hy vọng rằng với câu chuyện trên đây chúng ta sẽ có nhìn nhận rõ ràng hơn về vấn đề lời nói trong giao tiếp với con trẻ. Trẻ em thường tiếp thu và học hỏi rất nhanh. Vì vậy, ngay từ nhỏ hãy “gieo” cho con những lời lẽ yêu thương, tích cực để mỗi đứa trẻ đều là một em bé hạnh phúc.

Đọc thêm: Tôi đã tự chăm con sau sinh như thế nào? (Con đầu lòng, không ông bà, không giúp việc)

Leave a Reply