Làm thế nào để rèn luyện sự tập trung cho trẻ ngay từ nhỏ? Bài viết dưới đây sẽ phần nào giúp ba mẹ giải quyết vấn đề này.
Tại sao nên rèn luyện sự tập trung cho trẻ? Những cách nào giúp trẻ tập trung hơn
Chắc hẳn nhiều mẹ sẽ không quá xa lạ với những lời phàn nàn như “Con tôi không chịu ngồi yên, chạy nhảy suốt ngày”. Hay “Nó không tập trung học chút nào. Ngồi học được 2,3 phút là làm việc khác, viết một bài hàng tiếng đồng hồ mới xong”…. Khi không có khả năng tập trung, trẻ sẽ rất dễ bị sao nhãng khi làm bất cứ công việc gì. Từ đó mà hiệu quả đạt được không cao, trẻ cũng dễ nảy sinh tâm lý chán nản và không thực sự cố gắng trong học tập cũng như nhiều hoạt động khác.
Vấn đề đặt ra đó là làm sao để trẻ tập trung hơn? Có rất nhiều cách để giải quyết vấn đề này. Tuy nhiên, theo cá nhân mình nghĩ thì nên rèn luyện cho trẻ ngay từ khi còn trong độ tuổi mầm non. Ở độ tuổi này, nếu được tác động một cách phù hợp, khả năng tập trung của trẻ sẽ được cải thiện rất nhanh và dần trở thành một thói quen. Và đã là thói quen thì khi trẻ làm gì, xem gì cũng đều rất chú ý, ít bị tác động bởi các yếu tố xung quanh.
Việc rèn luyện sự tập trung cho trẻ nhỏ có nhiều cách, trong đó thực hiện thông qua các trò chơi, các hoạt động thường ngày có lẽ sẽ phù hợp hơn cả. 10 trò chơi hoạt động dưới đây chắc chắn sẽ là gợi ý cần thiết cho ba mẹ nào đang quan tâm vấn đề này.
Tại sao nên rèn luyện khả năng tập trung cho trẻ? Có những cách nào giúp trẻ tập trung hơn?
Mình đã đọc được ở đâu đó rằng: Tập trung là bí mật vĩnh cửu của mọi thành công trong cuộc sống. Một đứa trẻ có khả năng tập trung tốt sẽ mang đến rất nhiều lợi ích trong học tập cũng như cuộc sống. Bởi vì:
– Khả năng tập trung sẽ là nền tảng đầu tiên để trẻ thực hiện một loạt các năng lực khác như quan sát, ghi nhớ, tư duy, phán đoán, giải quyết vấn đề… một cách hiệu quả hơn.
– Khi trẻ tập trung, việc tiếp thu kiến thức cũng thuận tiện, nhanh chóng hơn. Trẻ dễ dàng đạt được hiệu quả cao hơn trong học tập cũng như bất kể công việc nào khác trong cuộc sống. Đó là nền tảng giúp trẻ tự tin về bản thân hơn.
– Sự tập trung cũng giúp trẻ tiết kiệm được thời gian khi học tập hay làm một việc gì đó.
Việc rèn luyện sự tập trung cho trẻ nên được bắt đầu ngay từ sớm, ngay từ khi trẻ còn ở độ tuổi mầm non Rất nhiều mẹ nghĩ rằng, ở độ tuổi này nên để trẻ tự do vui chơi, hoạt động. Tuy nhiên, nếu không được rèn luyện từ sớm đến khi trẻ bước vào độ tuổi tiểu học thì sẽ rất khó khăn để tính tập trung trở thành một thói quen cho trẻ. Đó có thể là lý do mà nhiều mẹ khi có con bắt đầu học lớp 1 thường nói rằng con không tập trung trong lớp. Hay trẻ học được một lúc là lại quay chỗ này, quay chỗ kia, làm việc này, làm việc kia.
Sự tập trung mang đến nhiều lợi ích trong học tập và cuộc sống
Để rèn luyện sự tập trung cho trẻ, mẹ có thể bắt đầu từ tính cách, sở thích của trẻ. Cho trẻ tham gia hoạt động thể chất thường xuyên, hạn chế việc yêu cầu trẻ làm nhiều việc cùng lúc… Tuy nhiên với trẻ nhỏ, đặc biệt là các bé trong độ tuổi mầm non thì việc rèn khả năng tập trung qua các hoạt động, các trò chơi có lẽ là cách hiệu quả và phù hợp nhất.
Các hoạt động, trò chơi rèn luyện sự tập trung cho trẻ
1. Đọc các cuốn sách bé yêu thích
Theo quan sát của mình thì ở mỗi giai đoạn nhất định nào đó, trẻ sẽ yêu thích một vài cuốn sách và bắt ba mẹ đọc đi đọc lại nhiều lần. Vậy thì, mẹ hãy tận dụng ngay điều này để rèn sự tập trung cho trẻ. Hãy cùng trẻ đọc cuốn sách đó. Trong quá trình đọc, hãy cố gắng tương tác với trẻ thật nhiều. Hỏi trẻ về những hình ảnh, sự vật trong sách. Cố gắng kéo dài thời gian tương tác nhất có thể để trẻ quen dần với việc tập trung chú ý vào một vấn đề gì đó.
Với một đứa trẻ 2 đến 3 tuổi thì việc đọc hay xem các cuốn sách yêu thích có thể kéo dài tới 10-15 phút đồng hồ. (Theo quan sát cá nhân của mình)
Đọc thêm: 7 Bí Quyết Giúp Hình Thành Thói Quen Đọc Sách Cho Bé Ngay Từ Nhỏ
2. Chơi Lego
Không chỉ phát triển khả năng tư duy, sáng tạo, chơi lego còn giúp trẻ rèn luyện sự tập trung rất hiệu quả. Quá trình chơi buộc trẻ phải tập trung quan sát, suy nghĩ để lắp ghép được các khối hình. Sự thú vị của món đồ chơi lego sẽ khiến trẻ bị cuốn hút, say mê. Đó chính là điều kiện cần thiết để khả năng tập trung của trẻ được phát triển và được nâng cao từng ngày.
Việc của ba mẹ là chuẩn bị cho bé một bộ lego phù hợp và quan sát trẻ chơi. Mẹ có thể hỗ trợ trẻ khi thật cần thiết, còn lại hãy để trẻ tự chơi, tự khám phá.
Tham khảo bàn chơi lego cho bé
3. Xếp hình, trò chơi giúp rèn luyện sự tập trung hiệu quả
Tương tự như việc chơi lego, xếp hình cũng là hoạt động thú vị để trẻ rèn được sự chú ý. Với trò chơi này, bé sẽ phải suy nghĩ, tìm kiếm lắp ghép được các miếng hình phù hợp để tạo nên hình ảnh, bức tranh đúng. Quá trình này đòi hỏi trẻ phải tập trung để hoàn thành. Dần dần, sự chú ý, tính tập trung của trẻ cũng được nâng cao và hình thành một thói quen.
Tuy nhiên, ba mẹ nên chú ý lựa chọn các bộ xếp hình phù hợp với độ tuổi, nhận thức của trẻ. Việc chọn bộ xếp hình quá phức tạp khiến trẻ khó hoàn thành được có thể khiến trẻ nhanh chán và nhanh chóng từ bỏ.
4. Quan sát và miêu tả lại một bức tranh
Nếu trẻ đã biết nói tốt, mẹ hoàn toàn có thể thử hoạt động này cho bé. Chọn một bức tranh theo chủ đề mà bé yêu thích sau đó mẹ và bé cùng nhau miêu tả lại bức tranh này. Ví dụ như mẹ có thể hỏi bé “Trong này có gì con nhỉ?”, “Con chó này màu gì?”, “ Nó đang làm gì con nhỉ?”…. Hoạt động đơn giản nhưng có thể khiến bé chơi đến cả chục phút đồng hồ.
Theo kinh nghiệm của mình thì nên bắt đầu với những bức tranh có chủ đề trẻ yêu thích. Trẻ thích ô tô, mẹ có thể bắt đầu với các bức tranh về phương tiện giao thông. Trẻ thích búp bê, mẹ có thể chọn tranh về chủ đề hoàng tử, công chúa… Nếu trẻ là một em bé thích vận động thì những bức tranh về các trò chơi cầu trượt, xích đu… chắc chắn sẽ cuốn hút trẻ.
Đọc thêm: 5 Đầu Sách Hay Cho Bé Đang Tập Nói Được Nhiều Ba Mẹ Lựa Chọn
5. Rèn luyện sự tập trung cho trẻ với hoạt động tô màu, tô tượng
Cho trẻ một tờ giấy trắng và một hộp bút màu để bé tô vẽ là hoạt động đơn giản giúp rèn luyện khả năng tập trung hiệu quả. Ba mẹ cũng không nên yêu cầu trẻ phải vẽ cái gì, tô như thế nào. Thay vào đó hãy ngồi bên cạnh quan sát, khen ngợi và quan sát bé. Đối với trẻ nhỏ, việc được tự do vẽ vời, tô màu theo ý thích, suy nghĩ của chính bản thân sẽ rất thú vị và trẻ có thể say mê với hoạt động đó trong cả chục phút đồng hồ.
Bên cạnh đó, tô tượng cũng là một gợi ý hay để mẹ rèn sự tập trung cho bé.
Tô tượng giúp trẻ rèn luyện sự tập trung hiệu quả
6. Trò chơi vẽ hình, đoán sự vật
Không chỉ rèn luyện khả năng tập trung, trò chơi vẽ hình đoán sự vật này còn giúp bé phát huy khả năng phán đoán và tưởng tượng rất tốt. Đúng như tên gọi của trò chơi, mẹ sẽ vẽ hình gì đó tùy sở thích, sở trường của con. Sau đó, bé sẽ nhìn và đoán tên. Hoặc mẹ cũng có thể vẽ một phần bộ phận của sự vật sau đó để bé đoán xem đó là gì. Ví dụ, mẹ vẽ cái đuôi và chân con gà rồi hỏi con “Mẹ đang vẽ con gì nhỉ?”. Để bé đoán sau đó mẹ tiếp tục vẽ các bộ phận khác. Chắc chắn bé sẽ rất thích thú khi đoán đúng tên của sự vật mà mẹ vẽ. Mẹ có thể tham khảo trên youtube rất nhiều cách vẽ hình con vật, sự vật rất đơn giản.
Mẹ chỉ cần chuẩn bị giấy và bộ bút màu, bút viết là chơi cùng bé được rồi.
7. Trò chơi truy tìm đồ vật
Với trò chơi này, mẹ nên chuẩn bị một vài đồ vật. Nhưng theo mình thì chọn một vài bức ảnh hoặc sử dụng các thẻ flashcard là hợp lý nhất. Thông thường trong các bộ flashcard sẽ được phân theo chủ đề. Cứ vài ngày mẹ lại thay đổi một chủ đề cho bé đỡ chán.
Ở những lần chơi đầu tiên, mẹ chọn 2,3 thẻ và yêu cầu trẻ quan sát các tấm thẻ (chừng 10-15s). Sau đó, mẹ hãy nói trẻ nhắm mắt lại và giấu đi 1 tấm thẻ. Sau khi trẻ mở mắt mẹ hãy hỏi bé xem tấm thẻ có hình gì đã bị mất. Khi trẻ đoán đúng mẹ hãy nhớ khen ngợi để bé thêm hứng thú nhé.
Khi trẻ đã quen với trò chơi, mẹ có thể tăng lên 4,5 hoặc nhiều tấm thẻ hơn. Trò chơi không chỉ giúp trẻ tập trung, chú ý hơn mà còn giúp khả năng ghi nhớ, quan sát của bé cũng được cải thiện hơn rất nhiều.
Tham khảo bộ flashcard nhiều chủ đề cho bé
8. Trò chơi xâu hạt giúp trẻ rèn luyện sự tập trung
Để xâu được hạt, chắc chắn bé sẽ phải quan sát thật tỉ mỉ, cẩn thận. Quá trình này cũng yêu cầu bé phải thật chú ý để có thể hoàn thành được cả chuỗi hạt. Cũng từ đó mà sự tập trung của trẻ sẽ dần được cải thiện và nâng cao hơn.
Mẹ chỉ cần chuẩn bị một bộ xâu hạt bằng gỗ, nhựa,… đều được. Bản thân mình ưu tiên bộ xâu hạt bằng gỗ cho bé. Mẹ có thể tham khảo tại đây nhé.
9. Trò chơi tìm số
Tương tự mẹ có thể sử dụng bộ flashcard để chơi trò tìm số với bé. Mẹ có thể bày các tấm thẻ ra bàn, sàn nhà. Khi mẹ đọc đến số nào bé sẽ chạy đi tìm và lấy tấm thẻ có số đó. Đây cũng là cách để bé học số khá hay.
10. Trò chơi thủ công cho bé (xé, dán giấy)
Mẹ hãy chuẩn bị một bộ giấy thủ công nhiều màu sắc, một tấm bìa hoặc giấy cứng một chút để dán giấy. Sau đó mẹ có thể hướng dẫn bé xé giấy và dán. Với các bé nhỏ, mẹ có thể để bé xé và dán tự do. Với bé lớn hơn một chút, mẹ có thể chỉ bé dán theo hình cụ thể như hình tròn, hình mặt cười….
Ngoài ra, mẹ cũng có thể sáng tạo nhiều loại chất liệu khác như lá cây, vải… để bé có thể dán. Như vậy hoạt động cũng trở nên thú vị và cuốn hút bé tập trung tham gia hơn.
Mẹ cần lưu ý gì trong quá trình rèn luyện sự tập trung cho trẻ
– Không vội vã. Rèn sự tập trung cho trẻ là cả một quá trình, thực hiện thường xuyên, hàng ngày.
– Hiểu trẻ. Mẹ nên nhìn nhận con một cách khách quan để từ đó có cách tác động phù hợp. Ví dụ nếu trẻ là một đứa bé hiếu động thích vận động, khó chịu khi phải ngồi yên một chỗ quá lâu thì mẹ nên xuất phát từ sở thích cá nhân của con để lựa chọn các hình thức, hoạt động phù hợp.
– Hạn chế những tác động xung quanh dễ gây mất tập trung cho trẻ khi chơi, hoạt động.
Rèn luyện sự tập trung cho trẻ là một trong những vấn đề khá quan trọng trong giáo dục trẻ. Vậy nên, hy vong rằng với những gơi ý trên đây ba mẹ có thể cùng trẻ tập được thói quen tốt này, giúp trẻ đạt được nhiều thành công trong quá trình phát triển và trưởng thành sau này.