10 Hoạt Động Giúp Phát Triển Kỹ Năng Vận Động Cho Bé Dưới 1 Tuổi

Hai đứa trẻ ở cùng độ tuổi, thể chất tương đương nhau nhưng một bé có thể tự xúc cơm ăn, tự đạp xe ba bánh vèo vèo, tự mặc quần áo… Trong khi bé còn lại thì chưa thể thực hiện được các hoạt động trên. Sự khác biệt giữa hai bé là do nguyên nhân nào?

Loại trừ các vấn đề liên quan đến cơ địa hay bệnh lý nào đó, theo mình nguyên nhân nằm ở sự rèn luyện, phát triển các kỹ năng vận động cho bé ngay từ khi còn là một em bé sơ sinh. 

Kỹ năng vận động ở trẻ dưới 1 tuổi

Mình tin chắc, hầu hết các ba mẹ đều biết được tầm quan trọng của sự phát triển các kỹ năng vận động ở trẻ. Và để kỹ năng này được phát triển một cách tối ưu không còn cách nào khác là ba mẹ cùng bé thực hiện các hoạt động, các bài tập vận động mỗi ngày. 

Tuy nhiên, các hoạt động đó là gì? Tùy thuộc vào giai đoạn phát triển mà ba mẹ lựa chọn các hoạt động phù hợp cho bé. Như trong bài viết này, nếu theo dõi ba mẹ sẽ biết được 10 hoạt động khá đơn giản nhưng lại rất hữu ích trong việc phát triển khả năng vận động cho bé dưới 1 tuổi. Dưới 1 tuổi, nếu được tác động phù hợp, các kỹ năng về vận động của bé sẽ phát triển khá tốt. Đồng nghĩa với việc bé sẽ biết đi sớm hơn, biết tự xúc ăn khi mới chỉ 10,11 tháng và rất nhiều hoạt động khác mà bé có thể tự thực hiện được từ khi còn rất nhỏ.

Các loại kỹ năng vận động ở trẻ và lợi ích của việc phát triển những kỹ năng này là gì?

Khi mua đồ chơi cho con, ba mẹ sẽ thấy nhiều cửa hàng mô tả món đồ chơi này giúp bé phát triển vận động tinh, đồ chơi kia giúp bé phát triển vận động thô. Vận động thô, vận động tinh, chắc hẳn ba mẹ đã được nghe rất nhiều, thấy rất nhiều, nhưng cụ thể nó là gì? Trên google có khá là nhiều, tuy nhiên mình vẫn sẽ nêu qua để ba mẹ hiểu hơn, từ đó lựa chọn được các hoạt động phù hợp cho con.

Ở trẻ nhỏ, có hai loại kỹ năng vận động chính là vận động thô và vận động tinh. 

Vận động thô:

Bao gồm các hoạt động liên quan đến các cơ lớn của cơ thể như cơ đầu – cổ, cơ lưng, ngực, bụng, cơ chân,… Nhờ có kỹ năng này mà bé có thể thực hiện được các hoạt động như bò, trườn, ngồi, đi, đứng, chạy, nhảy… Hoặc giúp cơ thể giữ và kiểm soát thăng bằng, giúp bé đang chạy có thể dừng lại, chạy mà không bị ngã vào tường… Việc phát triển vận động thô cho bé rất quan trọng, trước tiên giúp phát triển thể chất, và sau đó là tác động đến tổ chức thần kinh và não bộ. Việc trì hoãn hay không phát triển kỹ năng này kịp thời sẽ làm bé chậm phát triển tinh thần và vận động, làm bé chậm biết đi, chậm biết nói,… Vận động thô được phát triển phù hợp với từng giai đoạn phát triển cũng giúp trẻ khám phá được thế giới xung quanh, môi trường một cách tốt hơn, bé sẽ có khả năng tự lập được trong một số việc, mạnh mẽ và tự tin hơn.

Vận động tinh:

Đây là kỹ năng sử dụng các cơ nhỏ để điều khiển cổ tay, bàn tay, các ngón tay, giúp trẻ có thể thực hiện được nhiều động tác khó hơn như cầm đũa, cầm thìa, xúc thức ăn, cầm bút viết… Đây là kỹ năng vận động quan trọng cần được phát triển. Khả năng vận động tinh càng phát triển, trẻ càng khéo léo, nhanh nhẹn hơn trong các hoạt động liên quan đến bàn tay, ngón tay. Từ đó giúp trẻ có khả năng tự thực hiện tốt các công việc cần đến sự uyển chuyển của tay như gắp thức ăn, viết chữ, làm thủ công, vẽ tranh,… Việc rèn cho trẻ các kỹ năng thuộc về vận động tinh cũng giúp trẻ độc lập hơn và có khả năng tự chăm sóc bản thân tốt hơn. Bên cạnh đó sự lặp đi lặp lại của các động tác, sự phối hợp giữ tay, mắt… sẽ giúp nâng cao khả năng ghi nhớ, phát triển thính giác, thị giác, nhận thức và não bộ trẻ. 

10 hoạt động giúp bé dưới 1 tuổi phát triển kỹ năng vận động một cách tối ưu

Trong giai đoạn 6-12 tháng tuổi, ba mẹ có thể tham khảo một vài hoạt động, bài tập sau đây:

Các hoạt động chơi với quả bóng 

Quả bóng luôn là món đồ chơi yêu thích của hầu hết các em bé. Với các quả bóng, ba mẹ có thể sáng tạo nên rất nhiều trò chơi vận động, giúp phát triển cả kỹ năng vận động tinh và thô cho bé.

– Với các bé dưới 6 tháng tuổi: mẹ có thể treo quả bóng vải trên khung, kệ chữ A. Để bé nằm chơi trên giường, với tay, chạm vào bóng. Hoặc mẹ có thể để bóng vào tay, chân bé, bé sẽ tự mình khám phá quả bóng. 

– Với các bé từ 6 tháng tuổi đến 1 tuổi: Khi này, bé đã có thể tự ngồi hoặc bò, mẹ có thể cho bé tự chơi trong quây hoặc cũi có thả các quả bóng nhựa với nhiều màu sắc khác nhau. Bé sẽ tự mình cầm bóng chơi, ném… Hoặc ba mẹ có thể chơi trò ném bóng với bé. Mẹ hãy làm gương cho bé, ném bóng vào rổ hoặc thùng và khuyến khích bé làm theo. Ban đầu có thể bé chưa làm được, nhưng chỉ một vài lần mẹ sẽ thấy khả năng ném của bé dần tốt hơn. 

Các hoạt động này rất tốt trong việc phát triển kỹ năng vận động tinh cho bé.

Ngoài ra, mẹ có thể cho bé chơi trò đá bóng bằng cách đỡ người bé và hướng dẫn bé dùng chân đá các quả bóng ra xa. Đá bóng sẽ giúp chân bé thêm cứng cáp và nhanh nhẹn hơn.

Mẹ cũng có thể tập cho bé khả năng giữ thăng bằng với một quả bóng to, bằng cao su mềm, sạch. Đặt bé nằm sấp trên quả bóng, mẹ giữ người bé nhẹ nhàng đủ để bé có thể di chuyển được theo sự chuyển động của quá bóng. Sau đó, mẹ hãy lăn quả bóng theo nhiều hướng và quan sát sự dịch chuyển cơ thể bé. Bài tập này không chỉ giúp kết nối các thần kinh cơ bắp mà còn giúp hình thành kỹ năng phản xạ cho bé và giúp bé có khả năng giữ thăng bằng tốt hơn. 

Trò chơi xếp chồng, xếp hình khối

Một bộ trò chơi xếp chồng, lắp ghép sẽ cho bé rất nhiều hoạt động thú vị. Bé có thể cùng mẹ xếp các khối lên nhau. Hoặc bé có thể tự mình chơi, tự mình sáng tạo nên nhiều hoạt động thú vị khác. Cho bé một bộ đồ chơi xếp chồng hay lắp ghép vào thời gian bé chơi tự lập trong ngày, mẹ sẽ thấy bé sẽ sáng tạo nên nhiều cách chơi, nhiều hoạt động thú vị khác khiến bé phải bất ngờ.

Các hoạt động với món đồ chơi này sẽ giúp phát triển kỹ năng vận động tinh rất tốt. Bên cạnh đó còn rèn luyện sự tập trung và phát huy khả năng sáng tạo cho bé. 

Gợi ý cho mẹ: 10 Hoạt Động, Trò Chơi Đơn Giản Giúp Rèn Luyện Sự Tập Trung Cho Trẻ

Ở giai đoạn dưới 1 tuổi, mẹ có thể mua cho bé các bộ đồ chơi bằng gỗ hoặc nhựa an toàn, kích thước to một chút để bé dễ cầm nắm hơn. Ví dụ như món đồ chơi tháp cầu vồng này mình thấy rất thú vị, chất liệu nhựa nhẹ nhàng, màu sắc đẹp, còn được kết hợp thêm cả âm thanh vui nhộn nữa. Mẹ có thể tìm hiểu kỹ hơn ở đây. Hoặc mẹ có thể tham khảo thêm nhiều món đồ chơi xếp chồng, xếp hình khối khác cho bé trên Tiki.

Nguồn: M&B Store

Chuyền tay, hoạt động giúp phát triển cơ tay cho bé

Đây là hoạt động rất đơn giản nhưng sẽ giúp đôi bàn tay của bé trở nên nhanh nhẹn, linh hoạt hơn rất nhiều. Vào giai đoạn bé được tập trườn, bò, mẹ có thể khuyến khích bé dùng tay để với các đồ vật. Lớn hơn chút, vào khoảng tháng thứ 7, 8, khi khả năng ngồi của bé đã tốt, mẹ có thể cùng bé chơi các hoạt động chuyền tay. Mẹ có thể sử dụng quả bóng, đồ chơi xúc xắc hoặc bất cứ đồ vật nào bé cảm thấy thích thú (đôi khi đơn giản là cái lược, cái hộp, khăn tay…) và hướng dẫn bé, khuyến khích bé chuyền từ tay này qua tay kia. Hoạt động đơn giản nhưng là cách để khả năng phối hợp vận động của bé được phát triển một cách tốt hơn. 

Leo cầu thang rèn luyện cho bé kỹ năng vận động an toàn 

Theo quan sát của mình, ở độ tuổi này các bé rất thích leo lên những bậc cầu thang. Theo phản xạ tự nhiên, vì độ an toàn của bé, nhiều ba mẹ sẽ tìm cách để bé không thể leo lên cầu thang. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu đã cho thấy leo cầu thang là cách để bé dần nhận biết và rèn luyện về kỹ năng an toàn. Khi ba mẹ cho bé cơ hội và thời gian để bé có thể tự leo cầu thang, bé sẽ dần học được cách quan sát xung quanh, quan sát phía dưới và leo xuống bằng việc hạ chân xuống bậc thang trước. Hoạt động này cũng góp phần vào việc phát triển thể chất, giúp cơ thể bé dẻo dai, linh hoạt và cứng cáp hơn. Chỉ cần ba mẹ hoặc người trông bé luôn ở bên cạnh quan sát và hỗ trợ bé nếu cần thiết. Còn đâu, hãy để bé tự mình trải nghiệm và học hỏi.

Hoạt động đi bằng hai tay

Với các bé đã biết bò rồi thì hoạt động này quá đơn giản. Mẹ có thể tạo ra nhiều trò chơi như thi ai bò nhanh, bò qua đường hầm, bò qua chướng ngại vật… để khuyến khích bé tham gia hoạt động này. Với các bé chưa biết bò, bò chưa vững, mẹ có thể dùng hai tay của mình để đỡ ngang bụng bé và để bé từ từ bò. 

Hoạt động đơn giản nhưng là cách để cơ bắp bé thêm khỏe mạnh, đôi bàn tay thêm mạnh mẽ, linh hoạt. Ngoài ra việc cho bé đi bằng tay cũng hỗ trợ rất nhiều cho việc tập bò, giúp bé biết bò nhanh hơn. 

Trò chơi robot đi bộ

Với hoạt động này, bé sẽ chơi cùng ba, mẹ hoặc người thân. Mẹ chỉ cần cho bé đứng ở phía trước, đặt hai bàn chân bé lên trên mu bàn chân mẹ. Nắm tay bé nhẹ nhàng sau đó cùng đếm và bước chân đi về phía trước. Mẹ hãy cố gắng đếm và bước đi theo cùng nhịp điệu. 

Trò chơi robot đi bộ sẽ giúp cho các kỹ năng vận động của bé phát triển rất tốt. Bé sẽ được rèn luyện cơ bắp, giúp chân tay cứng cáp hơn, hỗ trợ rất tốt cho việc tập đi của bé. Bên cạnh đó, hoạt động cũng giúp bé nâng cao khả năng nhận biết, định vị không gian, khả năng định hướng di chuyển.

Tập đứng giúp cơ bắp bé thêm cứng cáp

Mỗi ngày, mẹ có thể dành một chút thời gian để cho bé thực hiện hoạt động tập đứng. Đơn giản, mẹ hãy để bé đứng trên một mặt phẳng an toàn. Mẹ ngồi bên cạnh vỗ tay hoặc hò reo cổ vũ, khen ngợi khuyến khích bé có thể đứng lâu hơn. Chỉ sau một vài lần thực hiện, mẹ sẽ nhận thấy thời gian bé tự đứng sẽ dần tăng lên. Hoạt động tập đứng sẽ giúp cho đôi chân bé thêm cứng cáp, từ đó hỗ trợ tốt hơn cho việc tập đi của bé.

Tập đứng giúp phát triển kỹ năng vận động thô cho bé

Nhún nhảy theo nhịp điệu, bài hát 

Vào thời điểm bé bắt đầu vịn tay vào tường, vào thành giường để tập đi, mẹ có thể cho bé nghe bài hát với nhịp điệu vui nhộn để bé nhún nhảy theo. Mẹ có thể nhún nhảy trước để bé bắt chước theo. 

Hoặc một hoạt động nhún nhảy khác rất thú vị đó là mẹ có thể dùng hai tay giữ chắc cơ thể bé. Sau đó, mẹ nhẹ nhàng nâng bé lên cao và từ từ đặt bé xuống cho đến khi hai chân bé tiếp đất. Khi bàn chân chạm xuống sàn, tự bé sẽ có phản xạ dùng chân cố gắng đẩy cơ thể lên. Cứ như vậy, mẹ thực hiện lặp lại một vài lần trong mỗi lần chơi.

Tương tự như hoạt động tập đứng, việc bé nhún nhảy sẽ giúp cho kỹ năng vận động thô của bé sẽ được phát triển một cách tối ưu hơn. Quá trình nhún nhảy sẽ giúp cho cơ chân bé thêm chắc khỏe, nhanh nhẹn. Hoạt động này khá hữu hiệu để việc tập đi của bé thuận lợi và nhanh chóng hơn. 

Hoạt động tập đi cho bé

Vào giai đoạn 9, 10 tháng mẹ có thể bắt đầu hoạt động tập đi cho bé. Có rất nhiều cách giúp bé thực hiện việc tập đi. Mẹ có thể cho bé đi men theo tường, với xe tập đi hoặc dắt tay bé đi. Tập đi là việc cần thiết, giúp cho kỹ năng vận động thô của bé được hoàn thiện hơn. Từ đó, cơ bắp bé sẽ cứng cáp và bé nhanh biết đi hơn. 

Hoạt động đi thăng bằng

Có nhiều bé tầm hơn 10 tháng hoặc 11 tháng là đã có thể chập chững biết đi rồi. Lúc này, mẹ có thể thiết kế các hoạt động thăng bằng cho bé. 

Mẹ có thể sử dụng các tấm ván thăng bằng bằng gỗ. Một tấm ván thăng bằng có thể thực hiện được rất nhiều hoạt động cho bé. Chất liệu gỗ an toàn và rất bền nữa, thiết kế uốn cong khá thú vị để bé trải nghiệm. Ba mẹ có thể tìm hiểu kỹ hơn ở đây nhé.

Hoạt động thăng bằng rất tốt cho việc phát triển kỹ năng vận động

Nếu không có ván thăng bằng, mẹ có thể thiết kế đơn giản hơn. Ví dụ, mẹ dán các miếng băng dính trên sàn nhà thành một đường thẳng, khuyến khích bé đi trên đường thẳng đó mà không bị ra ngoài. Tương tự mẹ có thể dùng nhiều đồ vật khác, xếp thành các con đường để bé đi trong phạm vi đó. 

Đọc thêm: 7 Món Đồ Chơi Cho Bé 6 Tháng Đến 1 Tuổi, Lợi Ích và Cách Chơi

Ngoài ra còn rất nhiều hoạt động thú vị khác giúp phát triển các kỹ năng vận động cho bé. Tùy từng sở thích, cá tính của bé để ba mẹ sáng tạo và lựa chọn các hoạt động phù hợp cho con. 

Chúc ba mẹ và bé sẽ có nhiều hoạt động thật thú vị. Và hãy comment chia sẻ với các ba mẹ khác nếu có hoạt động nào hay ho, phù hợp để phát triển khả năng vận động cho bé dưới 1 tuổi nhé.

Leave a Reply