Hành Trình Nuôi Con Theo Phương Pháp Easy? Cần Chuẩn Bị Gì Khi Nuôi Con Theo Easy

Nuôi con theo phương pháp easy là gì? Có lẽ đây là vấn đề được rất nhiều mẹ quan tâm hiện nay. Rất nhiều bài viết chia sẻ về lợi ích của việc nuôi con theo easy, con khỏe, mẹ nhàn, cả nhà đều vui.

Bản thân mình may mắn được biết đến phương pháp này khá sớm và áp dụng khi con được 2 tháng tuổi. Trộm vía, em bé hợp tác khá tốt. Vậy nên mặc dù quá trình nuôi con, chăm sóc con chỉ có mình và ba bé thôi nhưng vẫn ổn và có phần nào nhẹ nhàng hơn.

Dưới đây sẽ là hành trình nuôi con theo easy của mình, một vài lưu ý để mẹ có thể tham khảo và áp dụng phương pháp này thành công. 

1. Phương pháp nuôi con easy là gì? Những lợi ích khi mẹ áp dụng phương pháp easy 

Phương pháp easy là gì?

Hiểu một cách đơn giản thì easy là trình tự sinh hoạt của bé trong một ngày, bao gồm các hoạt động ăn, chơi, ngủ lặp đi lặp lại theo một chu kỳ nhất định. EASY là cụm từ viết tắt của Eat (ăn) Activity (Hoạt động) Sleep (Ngủ) Your time (Thời gian thư giãn cho mẹ). Theo phương pháp nuôi dạy con easy thì một chu kỳ easy sẽ bắt đầu bằng việc em bé thức dậy sau đó được mẹ cho ăn, ăn xong bé sẽ vận động và chơi, sau đó đi ngủ, khoảng thời gian bé ngủ mẹ sẽ được thư giãn, nghỉ ngơi hoặc làm các công việc khác.

Một ngày bé sẽ có nhiều chu kỳ easy và khoảng thời gian của các chu kỳ sẽ thay đổi dần theo sự phát triển của trẻ. Ví dụ bé 2 tháng tuổi, một chu kỳ easy diễn ra trong 3 tiếng đồng hồ, nhưng khi bé 3 tháng, 4 tháng tuổi thì một chu kỳ lại là 4 tiếng đồng hồ….

Phương pháp easy cũng được đề cập đến trong cuốn sách “Đọc vị mọi vấn đề của trẻ” của tác giả Tracy Hogg.

Bản thân mình ngay từ khi mang bầu đã tình cờ biết đến và tìm hiểu về phương pháp này trong một group trên facebook. Nhìn thấy những em bé easy bú no, ngủ đủ, mặt luôn rạng rỡ, mẹ không hề kiệt sức mà rất thảnh thơi mặc dù nuôi con nhỏ, mình đã từng nhủ thầm nhất định sẽ áp dụng phương pháp này khi sinh con xong.

Để hành trình nuôi con theo easy thuận lợi hơn, mình đã bắt đầu với bộ sách “Nuôi con không phải là cuộc chiến 2” kết hợp với cuốn “Đọc vị mọi vấn đề của trẻ”. Tuy nhiên, theo mình mẹ chỉ cần bộ sách 3 cuốn “Nuôi con không phải là cuộc chiến” cũng khá đầy đủ và dễ hiểu rồi. Mẹ nên đọc sách theo từng giai đoạn phát triển của con để không bị quên. Mẹ cũng nên lưu lại lịch sinh hoạt easy mẫu trên điện thoại để dễ nhớ và có thể mở ra xem bất cứ khi nào cần. 

Tham khảo bộ sách “Nuôi con không phải là cuộc chiến 2” tại TIKI

Lịch sinh hoạt mẫu của phương pháp easy

Lịch sinh hoạt mẫu của phương pháp easy

Tuy nhiên, vì vướng mắc nhiều vấn đề như vết đau sau sinh, tắc tia sữa, chưa thích nghi kịp với sự thay đổi sau sinh nên phải đến tháng thứ 2, cụ thể là tuần thứ 2 của tháng thứ 2 (sau tuần bé thức và khóc đêm) mình mới bắt đầu áp dụng phương pháp này cho con. 

Đọc thêm: Cách chữa tắc tia sữa tại nhà chỉ sau 2 ngày

Lợi ích của phương pháp easy

– Với con: Con được bú no, ngủ đủ vậy nên rất tỉnh táo và hào hứng với các hoạt động trong ngày. Rất nhiều người trong xóm luôn khen con gái mình ngoan, có khi cả ngày chả thấy tiếng khóc nào. Thực ra khi theo easy rồi, các nhu cầu ăn, ngủ (các nhu cầu cơ bản và quan trọng nhất của các em bé sơ sinh) được đáp ứng đầy đủ. Vậy nên bé sẽ rất ít khi khóc, gắt gỏng… Một ưu điểm cực kỳ to của các em bé theo easy. 

– Với mẹ: Mẹ sẽ hiểu được con nhiều hơn, bắt được các tín hiệu của con dễ hơn, rằng không phải cứ con khóc là đói, cứ khóc là ăn. Hơn nữa do biết được lịch sinh hoạt của con nên mẹ có thể chủ động sắp xếp thời gian, công việc tốt hơn. Mỗi lần đi ra ngoài cũng dễ dàng hơn trong việc sắp xếp thời gian ăn ngủ cho con.

2. Hành trình nuôi con theo easy. Những lưu ý khi nuôi con theo phương pháp easy

Hành trình nuôi con theo easy

Do đã đọc tài liệu từ trước đó nên ngay từ khi ở viện về mình đã áp dụng việc cho con bú sữa đều đặn 3 tiếng 1 lần. Vậy nên, khi con được 2 tháng mình áp dụng easy 3, nghĩa là cho con ăn no và 3 giờ sau sẽ cho con ăn tiếp. Một chu trình easy sẽ bắt đầu từ lúc con thức dậy. Ví dụ dưới đây là một bảng mẫu easy 3 mình đã tham khảo và áp dụng cho con. Mẹ có thể tham khảo và linh hoạt điều chỉnh phù hợp với bé nhà mình.

Thời gian

Hoạt động

7:00 Con thức dậy, bú sữa
8:00 – 10:00 Bé ngủ giấc ngắn ngày khoảng 2h
10:00 Bé thức dậy và mẹ cho bé bú sữa, vận động và chơi
11:00 – 13:00 Bé ngủ giấc ngắn ngày
13:00 Bé thức dậy, ăn và chơi 
14:00 – 16:00 Bé ngủ giấc ngắn ngày
16:00 Bé thức dậy, bú sữa và vận động
17:00 – 17:30 Bé ngủ giấc ngắn ngày
17:30 – 18:30 Bé hoạt động và chơi cùng mẹ
18:30 Bé đi tắm
19:00 Mẹ cho bé ăn và chuẩn bị đi ngủ đêm

Cứ như vậy, trình tự ăn, ngủ, chơi của bé diễn ra trong vòng 3h, lặp đi lặp lại. Song song với easy, mình cũng rèn cho bé tự ngủ. Như hướng dẫn trong sách, để rèn cho bé tự ngủ, mình sẽ áp dụng trình tự 4S cho bé. 4S bao gồm: sleep routine (tạo các hoạt động đi ngủ) – swaddling (quấn chặt) – sitting (ngồi yên lặng) – shutt pat (vỗ sù).

Điểm khó khăn nhất đối với mình trong việc rèn bé tự ngủ đó là thời gian nút chờ, lúc con khóc và mẹ phải áp dụng nút chờ để con có thể tự mình đi vào giấc ngủ. Cũng một vài lần, mình đã không kìm lại được trước tiếng khóc của con,  lao vào bế con lên ru ngủ. Tuy nhiên, khi đọc lại tài liệu, mình tiếp tục áp dụng trình tự 5S để con có thể vào giấc ngủ dễ hơn. Trình tự 4S, 5S có trong quyển 3 của bộ sách Nuôi con không phải cuộc chiến. Mẹ có thể đọc để hiểu kỹ hơn trình tự ngủ trong phương pháp easy.

Sang đến tháng thứ 3, thời gian thức ban ngày của con dài hơn một chút, mình dần chuyển từ easy 3 lên 3,5 – nghĩa là con bú no và sau 3,5h sau sẽ lại bú tiếp. Tương tự như vậy đến tháng thứ 4 trình từ của con chuyển sang chu kỳ 4, nghĩa là thời gian giãn cách giữa các bữa ăn của bé sẽ là 4h, thời gian thức ban ngày cũng tăng lên. 

Ở giai đoạn này, bé nhà mình vẫn chưa ngủ xuyên đêm, thường đêm bé sẽ dậy 1,2 lần để bú. Sau đó mình tiếp tục vỗ bé nhẹ nhàng để bé đi vào giấc ngủ. 

Một vài lưu ý khi thực hiện nuôi con theo easy

Việc thực hiện và áp dụng nuôi con theo phương pháp easy quả thực mang đến rất nhiều lợi ích cho cả mẹ và bé. Tuy nhiên, mỗi bé sẽ là một cá thể khác nhau. Có thể bé này áp dụng easy rất dễ, nhưng ở bé khác lại không. Vì vậy, theo mình, mọi con số, lịch sinh hoạt mẫu mẹ chỉ nên tham khảo để từ đó linh hoạt điều chỉnh xây dựng một lịch sinh hoạt phù hợp cho con. Việc mẹ quá cứng nhắc, nhất nhất làm theo những lịch sinh hoạt mẫu có thể khiến cả mẹ và con đều mệt mỏi và không đạt được kết quả tốt. Vậy nên:

– Mẹ cần thực hiện và áp dụng easy một cách linh hoạt. Ví dụ, một chu kỳ easy sẽ bắt đầu lúc con thức dậy. Hôm nay con dậy lúc 6:00, mẹ bắt đầu lúc 6:00, hôm sau con thức dậy lúc 7:00 mẹ bắt đầu lúc 7:00. Mẹ không nên bắt buộc con ngày nào cũng phải dậy giờ này và gọi con dậy nếu như con ngủ quá giờ… Có thể hôm đó bé vận động hơi nhiều, hơi mệt và ngủ thêm một chút cũng không sao. Đến người lớn cũng vậy mà, đâu thể ép buộc trẻ con quá được. Mẹ chỉ cần theo đúng trình tự ăn- vận động – ngủ, còn thời gian thêm bớt 10,15 phút cũng chả ảnh hưởng gì. Về sau theo thói quen, bé sẽ tự động đi vào giấc ngủ, hoặc tự động thức dậy trong khoảng thời gian mà mẹ đã tập cho bé. Easy một cách linh hoạt mẹ nhé.

– Mẹ nên quan sát và điều chỉnh chu kỳ easy cho bé theo độ tuổi phát triển. Càng lớn dần, thời gian thức ban ngày của bé cũng dài hơn. Vì vậy, mẹ nên theo dõi bé để chọn chu kỳ easy hợp lý. 

– Một vấn đề nữa được nhiều mẹ quan tâm đó là luyện easy cho bé từ khi nào? Câu trả lời đó là mẹ có thể bắt đầu áp dụng cho bé ngay từ khi ở bệnh viện trở về nhà và bé có cân nặng trên 2,7kg. Lúc này mẹ có thể bắt đầu áp dụng easy cho bé theo chu kỳ 3.

3. Mẹ cần chuẩn bị gì khi thực hiện nuôi con theo phương pháp easy

Để áp dụng easy thành công, mẹ cũng nên chuẩn bị một số vật dụng hỗ trợ như:

Chũn: chũn sử dụng để quấn bé khi ngủ. Đối với chũn mẹ nên lựa chọn chũn chất liệu mềm mát, có độ co giãn tốt để bé cảm thấy thoải mái. Mình sử dụng quẫn chũn COCOON của chị Hà Chũn, chiếc chũn được các mẹ gọi tên là chũn thần thánh. 

Mẹ có thể tham khảo chũn quấn COCOON cho bé tại LAZADA hoặc SHOPEE.

Quấn chũn giúp bé dễ dàng đi vào giấc ngủ hơn

Chũn Cocoon phần nào hỗ trợ mình thành công hơn khi rèn tự ngủ cho con và áp dụng phương pháp easy

– Nôi, cũi: thực ra nếu có thì rất tốt, còn nếu không thì mẹ có thể cho bé nằm cùng giường với mẹ. Ví dụ như bản thân mình, vì phòng ngủ không rộng cho lắm nên mình cho bé ngủ cùng giường với mẹ luôn. Thông thường mình sẽ đặt một chiếc gối ôm giữa hai mẹ con, mục đích để con không quá bện hơi mẹ gây khó khăn cho việc tự ngủ của con. 

– Nhiệt kế đo nhiệt độ phòng: môi trường ngủ trong trình tự ngủ easy cần mát, nhiệt độ lý tưởng trong khoảng 22-24 độ C. Việc nhiệt độ phòng quá nóng sẽ khiến bé ngủ không ngon, không sâu giấc. Mẹ lưu ý là nhiệt độ phòng khác với nhiệt độ trên điều hòa. Vậy nên, việc có một nhiệt kế đo nhiệt độ phòng mình thấy khá cần thiết. 

Tham khảo nhiệt kế đo nhiệt độ phòng tại TIKI hoặc LAZADA.

– Ti giả: công cụ khá hữu hiệu để bé tự ngủ dễ hơn. Nếu mẹ áp dụng trình tự ngủ 5S cho bé thì nên chuẩn bị một chiếc ti giả. Một chiếc ti ngậm có chất liệu mềm mại, gần giống với bầu ngực mẹ sẽ cho bé cảm giác an toàn, thân quen và dễ dàng đi vào giấc ngủ hơn. Mình gợi ý ti giả của DR. BROWN, mềm mại, họa tiết bắt mắt khiến bé thích thú hơn khi sử dụng. 

Một số mẹ còn chuẩn bị cả máy tạo tiếng ồn trắng. Nếu mẹ có điều kiện thì cứ mua, còn không thì tải về đài có thẻ nhớ hoặc điện thoại cho bé nghe. Lưu ý là mẹ nên để điện thoại tránh xa con một chút nhé. 

Ngoài ra, mẹ cũng nên chọn mua hoặc tham khảo một số tài liệu có đề cập đến phương pháp easy để có thêm kiến thức, giúp mẹ vững vàng hơn khi áp dụng cách nuôi dạy con này. Ví dụ như bộ 3 cuốn “Nuôi con không phải là cuộc chiến” mà mình đã đề cập bên trên. Hoặc mẹ có thể tham khảo kinh nghiệm của các mẹ bỉm sữa đi trước đã áp dụng thành công phương pháp này. 

Kết luận

Nuôi dạy con theo phương pháp easy thực sự mang đến khá nhiều lợi ích cho cả mẹ và bé. Tuy nhiên, trong quá trình áp dụng rất cần đến sự kiên trì, nhất quán của mẹ và cả những thành viên trong gia đình. 

Hy vọng rằng với một vài chia sẻ trên đây sẽ phần nào giúp mẹ dễ dàng hơn khi áp dụng phương pháp nuôi dạy con theo easy.

Chúc mẹ thành công.

Leave a Reply