Kiểm Soát Cảm Xúc Của Mẹ Giúp Xử Lý Khủng Hoảng Tuổi Lên 2 Của Con Hiệu Quả Hơn

Khủng hoảng tuổi lên 2 của con có làm mẹ phát cáu không?

Con gái mình được 2 tuổi rưỡi và mình đã luôn nghĩ rằng: “Trộm vía, con chưa “va vấp” vào khủng hoảng lần nào. Cho đến tháng vừa rồi, hai mẹ con về quê chơi, nghỉ Tết, con bé bắt đầu có những biểu hiện khiến mẹ đôi lúc phát cáu. Ngoài việc bám mẹ 24/24h thì kèm theo đó là việc nói “Không” với mọi thứ. Không tắm, không đánh răng, không ăn,… Ban đầu mình cũng nghĩ do con bé chưa quen với môi trường sống, chưa quen với mọi người. Tuy nhiên, sau 2,3 tuần ở nhà bà nội, các biểu hiện đó vẫn chẳng thay đổi. Thêm vài đó là sự cáu giận, bực tức vô lý. Ví dụ chỉ vì không dở được quyển sách cũng khóc, vì cái dép quay ngang không xỏ được cũng cáu lên. Hay sẵn sàng nằm dài trên mặt đất khóc lóc, giận dỗi vì rất nhiều lý do đâu đâu.

Lúc đó, mình mới bắt đầu nghĩ đến, tìm hiểu và biết rằng có thể con đang bước vào giai đoạn khủng hoảng tuổi lên 2.

Kiểm soát cảm xúc của mẹ giúp xử lý khủng hoảng tuổi lên 2

Cũng như nhiều mẹ, thời gian đầu mình rất stress và thậm chí bực tức, cáu giận vì những hành vi, hành động vô lý, khó chịu của con. 

Tuy nhiên, sau đó nhận ra và nhận ra được một điều giúp cho các cơn khủng hoảng của con đó là mẹ cần kiềm chế được cảm xúc của bản thân mình trước. Khi đã ổn định được cảm xúc, mẹ sẽ bình tĩnh hơn để đồng cảm và chia sẻ với cảm xúc của con.giúp con dần hiểu ra những hành động của mình

Khủng hoảng tuổi lên 2 bắt đầu khi nào và kéo dài bao lâu?

Có thể nhiều mẹ sẽ nghĩ rằng, khủng hoảng tuổi lên 2 sẽ diễn ra khi trẻ được 2 tuổi. Tuy nhiên, trên thực tế điều này lại xảy ra sớm hơn, vào khoảng thời gian trẻ được 18 tháng tuổi và kéo dài cho đến khi trẻ được 3 tuổi. Giai đoạn này, nếu quan sát, bố mẹ sẽ thấy trẻ có những chuyển biến và thay đổi rõ rệt trong tâm lý. Ví dụ như, bé sẽ thích thú với việc làm mọi thứ theo cách riêng của mình và tỏ ra khó chịu với những quy tắc, nguyên tắc (như phải ngồi ngay ngắn khi ăn, đánh răng trước khi đi ngủ,…). Bé thích giao tiếp nhiều hơn, chơi với bạn bè, anh chị thay vì chơi một mình. Hay bé thích tự làm một việc gì đó nhưng lại không được bố mẹ cho phép (ví dụ như thích tự xúc ăn, tự mặc quần áo…). Chính điều này là nguyên nhân dẫn đến những hành vi không phù hợp, những cơn giận dữ, khóc lóc, ăn vạ của bé. 

Những biểu hiện điển hỉnh của khủng hoảng tuổi lên 2 ở trẻ

Có rất nhiều biểu hiện, dấu hiệu cho thấy bé đã bước vào giai đoạn khủng hoảng tuổi lên 2. Nhưng mỗi em bé là một cá thể riêng biệt, vậy nên các biểu hiện có thể sẽ không hoàn toàn giống nhau. Có bé biểu hiện thế này, nhưng ở bé khác lại không. Bố mẹ nên chú ý quan sát bé để có thể nhận biết được rằng bé đã bước vào giai đoạn khủng hoảng hay chưa. Dưới đây là một vài biểu hiện phổ biến của giai đoạn khủng hoảng này mà bố mẹ có thể tham khảo:

– Đầu tiên đó là việc bùng nổ và khó kiểm soát được cảm xúc. Bé dễ dàng thể hiện cảm xúc gay gắt, dữ dội như khóc lóc, ăn vạ thậm chí là ném đồ đạc hoặc đánh người xung quanh vì những điều hết sức vô lý. Ngay mới tuần trước, mình đã chứng kiến con gái giận dữ, cáu lên và khóc bởi vì không ráp được miếng lego. Hay như việc cáu giận và ném dép đi chỉ vì không xỏ được vào chân cũng diễn ra vài lần…. Mình chắc rằng cũng rất nhiều mẹ đã gặp phải những sự việc như vậy. Và rất nhiều cảm xúc khác mà đôi khi người lớn chúng ta thấy nó vô lý thế, đơn giản thế mà cũng khóc lóc, cũng giận dữ. 

–  Thứ hai, hầu hết các bé trong giai đoạn khủng hoảng tuổi lên 2 luôn nói không hoặc làm ngược lại những gì người lớn nói. Con ăn cơm không? Không. Con đi đánh răng nào? Không. Con mặc áo khoác vào nhé. Không…. Bé có thể nói không cả ngày luôn chứ không phải một hai lần đâu mẹ nhé.

– Thứ ba, bé thích làm mọi thứ theo cách riêng của bé. Ví dụ như không thích cầm thì tay phải mà cầm tay trái, thích đeo tất vào tay, thích đi dép trái…. Nhiều nhiều hành động của bé đôi khi khiến bố mẹ phì cười, nhưng đôi khi cũng khiến người lớn nổi cơn giận dữ vì sự vô lý, không hiểu nổi.

– Một số bé sẽ có biểu hiện biếng ăn hoặc khóc đêm.

Kiểm soát cảm xúc của mẹ, cách xử lý khủng hoảng tuổi lên 2 tốt hơnF

Đối mặt với những biểu hiện như vậy, bố mẹ sẽ phải làm như nào để có cách xử lý khủng hoảng độ tuổi này một cách phù hợp nhất. 

Theo kinh nghiệm của mình thì việc kiểm soát cảm xúc của mẹ, của bố hay người trực tiếp trông nom bé sẽ cực kỳ quan trọng trong xử lý khủng hoảng tuổi lên 2 của bé. Kể cả các cuộc khủng hoảng tuổi lên 3, lên 4 và rất nhiều giai đoạn khủng hoảng sau này cũng vậy.

Ví dụ như trong tình huống của mình trước đây. Nếu như chứng kiến việc con gái giận dữ vì không xỏ chân được vào giày, dép và ném dép đi, mình cũng tức giận và mắng mỏ con, nói con không được ném dép như vậy. Rồi sau đó bắt con nhặt dép lại. Nếu cứ cố chấp, ra lệnh cho con thì chắc chắn mọi việc sẽ trở nên nghiêm trọng hơn. Con tiếp tục khóc lóc, giãy giụa, không làm theo những gì mẹ nói. Hoặc nếu có đi nhặt lại chiếc dép thì chắc chắn sẽ làm trong một tâm thế, cảm xúc hậm hực, bức xúc, chẳng vui vẻ gì. Thậm chí, con có thể chống đối lại những gì mẹ nói, vùng vằng và khóc lóc to hơn, sự việc vì thế mà trở nên nghiêm trọng hơn.

Tuy nhiên, nếu như lúc đó, mẹ bình tĩnh, nhẹ nhàng đến bên con, đồng cảm với cảm xúc của con, hỏi một vài câu hỏi kiểu như: “Có phải con muốn đi dép mà không xỏ vào được đúng không?”…. Bên cạnh đó là một vài lời chia sẻ, hỏi han con có cần sự giúp đỡ của mẹ không hoặc hướng dẫn con đi lại dép… thì chắc chắn các hành động của bé trong giai đoạn khủng hoảng tuổi lên 2 này sẽ khác đi. Có thể con sẽ đáp lại lời mẹ, không khóc nữa và tự giác làm theo một vài chỉ dẫn của mẹ. 

Thực ra, trải qua một vài lần như vậy, mình mới nhận ra, việc bức tức, quát mắng con những lúc con rơi vào những tình huống như vậy chẳng có ích gì. Thậm chí nó còn khiến cho sự việc trở nên nghiêm trọng hơn. Những cảm xúc của con không được giải tỏa. Con trở nên ương bướng hơn. Và con được mặc định là hư, là không ngoan, không nghe lời. 

Những hành động của con trong giai đoạn khủng hoảng có thể làm mẹ phát cáu

Như rất nhiều mẹ bỉm sữa, thời gian đầu đối diện với những đòi hỏi, sở thích, khóc lóc vô lý của bé, mình cũng rất bực tức, stress. Thậm chí có lần vì quá nóng giận mình đã đánh con gái vài cái. Tuy nhiên, sau khi nhận ra con đang bước vào giai đoạn khủng hoảng tuổi lên 2, mình đã cố gắng thay đổi, cố gắng kiểm soát cảm xúc của bản thân để cùng con bước qua giai đoạn thay đổi tâm lý này một cách nhẹ nhàng hơn. Và câu thần chú của mình khi đối mặt với những cảm xúc, hành động vô lý của bé đó là bình tình – kiên nhẫn – chia sẻ – yêu thương.

Đọc thêm: 7 cách kiềm chế cơn giận với con khi ở nhà

Vẫn biết rằng, làm cha mẹ, khi đối diện với những cảm xúc vô lý của con sẽ rất khó để bình tĩnh được. Nhất là với những mẹ bỉm sữa, bận rộn với quá nhiều công việc thì để kiềm chế cảm xúc sẽ là một việc khó khăn hơn nhiều. Nhưng, trước những cơn khủng hoảng của con, nếu mẹ kiềm chế được cảm xúc của bản thân, bình tĩnh hơn sẽ giúp mẹ: 

– Tìm hiểu được nguồn cơn của các cơn nóng giận, ăn vạ…

– Cung cấp cho trẻ sự hiểu biết. Mẹ nên kiên nhẫn nói chuyện với con về sự việc vừa xảy ra. Một lần, hai lần, và nhiều lần nói chuyện như vậy, chắc chắn con sẽ hiểu. 

– Đưa ra lời khuyên cho trẻ

– Mang lại cảm giác an toàn cho con bằng cách mẹ hãy tránh những câu nói đại loại như: “mẹ không cần con nữa”, “mẹ không nuôi con nữa”, “mẹ mặc kệ con đấy”… 

Một vài lời khuyên để con vượt qua giai đoạn khủng hoảng tuổi lên 2 một cách dễ dàng hơn

– Âu yếm, vỗ về con nhiều hơn thay vì quát mắng, đe dọa, ra lệnh. Ở độ tuổi này, đôi khi những hành động của trẻ chỉ thể hiện mong muốn của bản thân đó là được bố mẹ quan tâm và chú ý hơn đến mình mà thôi. 

– Đặt vị trí của bản thân vào vị trí của con để cảm nhận. Như vậy bố mẹ sẽ hiểu hơn cảm xúc của con khi đó như thế nào. Từ đó, mẹ sẽ có cách xử lý phù hợp và tốt nhất. 

– Trong một vài trường hợp, mẹ có thể tìm cách đánh lạc hướng sự quan tâm của bé sang một vấn đề hay sự việc nào đó. Tuy nhiên, cách xử lý này không nên diễn ra thường xuyên và mẹ nên tìm một thời điểm thích hợp nào đó để nói cho con đúng sai của sự việc.

– Dành nhiều thời gian và nhiều cái ôm yêu thương hơn cho con. Bởi nhiều chứng minh đã cho thấy khi không nhận được tình yêu thương của bố mẹ thì trẻ sẽ càng khao khát điều đó và đó là một trong nhiều nguyên nhân khiến con phản kháng, ngang bướng hay cố chấp hơn mỗi khi con bị mắng. 

– Ở độ tuổi này, mẹ cũng có thể bắt đầu dạy con biết vâng lời. Bố mẹ nên khen ngợi mỗi khi con vâng lời người lớn. 

– Nên có sự nhất quán trong xử lý các cơn khủng hoảng tuổi lên 2 của bé. Ví dụ như khi bố mẹ đang nói chuyện giải thích cho con hiểu về sự việc vừa xảy ra thì ông bà hay người thân không nên can thiệp vào hoặc ngăn cản những việc mà bố mẹ đang làm. Như vậy thì việc xử lý các cơn khủng hoảng mới hiệu quả được. 

Đọc thêm: Câu Chuyện Con Ếch Và Bài Học Về Sức Mạnh Của Lời Nói Với Con Trẻ

Kết luận

Khủng hoảng tuổi lên 2 là một trong những diễn biến tâm lý rất bình thường ở trẻ nhỏ. Đối mặt với những thay đổi đó của bé, việc bố mẹ kiểm soát cảm xúc, bình tĩnh, đồng cảm và chia sẻ với trẻ rất quan trọng để các cơn khủng hoảng diễn ra và kết thúc một cách tốt nhất. 

Hy vọng rằng với một vài chia sẻ trên đây, bố mẹ sẽ cùng con đồng hành cùng con, để cảm xúc của con từng bước được trưởng thành hơn.

Leave a Reply