Buổi chiều qua cho con đi đạp xe ngoài ngõ, mình lại được chứng kiến một câu chuyện xoay quanh bát bột, liên quan đến gia vị cho bé ăn dặm.
Vẫn là chuyện thêm mắm, thêm muối để bát bột. Chồng thì kêu cho mắm vô, chứ nhạt quá con không ăn là đúng. Vợ thì nói không được cho, con mới 7 tháng không cho thêm muối, mắm gì cả.
Thật sự mình sẽ chẳng suy nghĩ gì lắm nếu như người kêu cho thêm muối vào bát bột của con là bà nội hay bà ngoại bé. Sự cách biệt quá nhiều giữa các thế hệ thì việc đó phần nào có thể hiểu được. Tuy nhiên, ở đây ba của đứa bé còn khá trẻ, chừng 27-28 tuổi, ngày ngày tiếp xúc với công nghệ, với thông tin mới nhưng vẫn cố chấp trong vấn đề gia vị ăn dặm của con thì khó chấp nhận được.
Vậy xoay quanh vấn đề gia vị ăn dặm cho bé có những gì? Một vài thông tin sau đây có lẽ sẽ cần thiết để ba mẹ tham khảo.
1.Các loại gia vị phù hợp và không phù hợp trong chế độ ăn dặm của bé
Khi nhắc tới gia vị cho bé ăn dặm, có thể mẹ sẽ nghĩ đến đó là mắm, là muối, là hạt nêm. Nhưng thực tế thì có rất nhiều loại gia vị ăn dặm.
– Đầu tiên là dầu ăn, một loại gia vị khá quan trọng đối với sự phát triển của bé ở giai đoạn mới ăn dặm. Dầu ăn giúp cung cấp năng lượng và các dưỡng chất giúp phát triển thể chất và trí não cho bé. Một số loại dầu phù hợp trong chế độ ăn dặm của bé như dầu oliu, dầu óc chó, dầu hạt cải, dầu mè…
– Các loại hạt nêm có chiết xuất từ các nguyên liệu tự nhiên, không chứa bột ngọt, chất điều vị hay chất bảo quản. Hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại hạt nêm ăn dặm phù hợp cho bé từ 6 tháng tuổi, mẹ có thể tham khảo. Hoặc mẹ cũng có thể tự làm bột nêm cho bé từ thịt, tôm hay rau củ, nấm… Mẹ có thể xem bài 5 cách tự làm hạt nêm cho bé ăn dặm mà mình đã chia sẻ trước đây.
– Một số loại bột gia vị như bột hành, bột tỏi, bột quế, bột gừng, bột tiêu… Các loại bột này được làm từ các loại củ gia vị tự nhiên, không có chất bảo quản hay chất điều vị, rất phù hợp để nêm vào thức ăn của bé, giúp món ăn thơm, ngon hơn.
– Mắm, muối, đường, những loại gia vị cho bé ăn dặm phổ biến, giúp món ăn thêm đậm vị hơn. Tuy nhiên, trong chế độ ăn dặm của bé dưới 1 tuổi, các loại gia vị này không được khuyến khích sử dụng.
– Mật ong, một loại gia vị chỉ thích hợp với những bé từ 1 tuổi trở lên.
– Nước tương, với các bé trong độ tuổi ăn dặm mẹ có thể tham khảo loại nước tương tách muối.
Các loại gia vị ăn dặm cho bé
2. Cách nêm gia vị cho bé ăn dặm theo từng tháng tuổi
Việc mẹ bổ sung các loại gia vị vào món ăn một cách hợp lý sẽ mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe của bé. Đó là lý do mẹ nên lưu ý và ghi nhớ cách nêm gia vị cho bé theo từng độ tuổi.
Với các bé ăn dặm trong độ tuổi 6 tháng đến 1 tuổi
– Theo khuyến cáo của nhiều chuyên gia thì ở độ tuổi 6-7 tháng, mẹ không nên nêm gia vị vào món ăn của bé, ngoại trừ dầu ăn. Thay vào đó, để món ăn có vị đậm đà, ngọt tự nhiên, mẹ có thể sử dụng nước dashi (nước nấu từ các loại rau củ hoặc từ tảo bẹ cá bào) để nấu cháo, bột hay canh. Nên cho bé ăn và giúp bé trải nghiệm những hương vị tự nhiên của các món ăn. Điều này sẽ có lợi cho hệ tiêu hóa non nớt và tình trạng ăn uống của bé, hạn chế được rất nhiều tình trạng biếng ăn.
– Từ 8 tháng, mẹ có thể nêm một số loại gia vị cho bé ăn dặm như hạt nêm. Tuy nhiên, mẹ nên chọn hạt nêm được sản xuất dành riêng cho bé. Hoặc mẹ có thể bổ sung các loại hạt nêm rau củ, thịt cá mẹ tự làm. Bản thân mình thì không sử dụng hạt nêm mà thay vào đó là sử dụng các loại bột gia vị như bột hành, bột tỏi, bột quế… Những loại bột này cũng giúp tăng hương vị cho món ăn khá tốt. Mẹ không nên cho muối, đường, bột ngọt, bột canh hay hạt nêm của người lớn vào món ăn dặm của con. Bột ngọt (mì chính), bột canh, bột nêm chứa nhiều muối glutamate, một chất có thể gây ức chế thần kinh, co giật, nhức đầu… và nhiều ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe bé.
Tham khảo các loại bột gia vị hữu cơ cho bé ăn dặm
Với chế độ ăn dặm cho bé từ 1 – 2 tuổi
Bước sang độ tuổi này, các loại gia vị cho bé ăn dặm cũng được sử dụng dễ dàng hơn chút. Bé cũng có xu hướng yêu thích ăn những món ăn có hương vị đậm đà hơn. Vậy nên lúc này, mẹ có thể sử dụng nước mắm, hạt nêm (loại được sản xuất riêng cho bé), mật ong, đường với liều lượng phù hợp. Mẹ có thể tham khảo liều lượng gợi ý sau: Nước mắm: 1 muỗng cà phê, muối, đường: ½ muỗng cà phê, hạt nêm: ½ muỗng cà phê, mật ong: 1 muỗng cà phê, hành tỏi: ½ muỗng cà phê.
Tuy nhiên, mẹ cũng lưu ý không nên cho quá nhiều loại gia vị vào trong một món ăn của bé. Ví dụ nếu đã cho hạt nêm thì sẽ không cho muối, mắm, cho mắm thì không cho hạt nêm. Mẹ chỉ nên sử dụng 1 đến 2 loại gia vị trong một món ăn của bé.
Ở độ tuổi này, mẹ cũng có thể cho bé thử một chút gia vị cay như tiêu, ớt. Tuy nhiên, mẹ nên thử từng chút một và quan sát phản ứng của trẻ để điều chỉnh phù hợp.
Với chế độ ăn dặm của bé 3 tuổi trở lên
Ở độ tuổi này, bé đã có thể ăn khẩu phần ăn như của người lớn. Tuy nhiên, mẹ cũng nên sử dụng các loại gia vị cho bé ăn dặm một cách hợp lý, vừa phải, hạn chế ăn mặn. Mẹ nên rèn luyện cho bé thói quen ăn nhạt, như vậy sẽ tốt hơn cho sức khỏe.
Gợi ý cho mẹ: Cách Cho Bé Ăn Dặm Lần Đầu (Theo Từng Phương Pháp)
Mẹ có thể tự làm gia vị cho bé ăn dặm từ các nguyên liệu tự nhiên
3. Có nên nêm thêm muối vào món ăn dặm của bé dưới 1 tuổi không?
Với những thông tin ở trên chắc hẳn mẹ đã phần nào biết được nên và không nên gia vị gì, nêm như thế nào. Tuy nhiên, muối là một loại gia vị thông dụng và thường được các mẹ sử dụng nhiều nhất khi nấu món ăn cho bé. Chính vì vậy, vấn đề có nên cho muối vào món ăn dặm của các bé dưới 1 tuổi không cũng được nhiều mẹ quan tâm. Nhu cầu hàm lượng natri (muối) cho bé được khuyến nghị như sau:
Nhóm tuổi của trẻ | Lượng natri (mg/ngày) | Lượng muối (g/ngày) |
0-5 tháng tuổi | 100 | 0,3 |
6-11 tháng tuổi | 600 | 1,5 |
1-2 tuổi | < 900 | 2,3 |
Tuy nhiên, trong các loại thực phẩm như rau xanh, thịt cá và ngay cả sữa mẹ, sữa công thức đều đã có hàm lượng natri nhất định. Việc bổ sung thêm muối vào món ăn dặm của bé dưới 1 tuổi có thể dẫn đến việc cơ thể bé hấp thụ quá nhiều lượng natri, gây ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe.
Vậy nên, mẹ không nên cho thêm muối vào món ăn dặm của bé dưới 1 tuổi.
Kết luận
Nêm gia vị cho bé ăn dặm, một vấn đề tưởng chừng nhỏ nhưng cũng rất quan trọng đúng không mẹ. Hy vọng rằng, không chỉ các mẹ bỉm mà ngay cả các anh chồng, các bà cũng sẽ tiếp cận được những thông tin về gia vị ăn dặm cho con nhiều hơn. Để mỗi bữa ăn của con đều vui vẻ, chứ không phải chỉ vì bát bột mặn nhạt mà mâu thuẫn, mặt nặng mày nhẹ nữa.