7 Món Đồ Chơi Cho Bé 6 Tháng Đến 1 Tuổi, Lợi Ích và Cách Chơi

Có phải ba mẹ có đang loay hoay trong việc chọn đồ chơi cho bé 6 tháng đến 1 tuổi? Vậy thì những chia sẻ sau đây chắc chắn là dành cho ba mẹ rồi.

Ở độ tuổi này, các bé yêu của chúng ta sẽ có những bước phát triển vượt bậc cả về mặt vận động và tư duy. Ví dụ như khả năng phối hợp tay mắt tốt hơn. Bé có thể ngồi mà không cần bất kỳ sự hỗ trợ nào. Rồi khả năng nhận thức về màu sắc. Bé có thể trở thành một “nhà thám hiểm tí hon” tò mò với mọi ngóc ngách trong nhà. Và bé cũng bắt đầu biết bắt chước và ê a theo âm thanh xung quanh,… 

Và việc chọn một món đồ chơi phù hợp sẽ là điều kiện tuyệt vời để thúc đẩy các kỹ năng vận động và tư duy phát triển hiệu quả. Tuy nhiên, sự đa dạng của rất nhiều đồ chơi như hiện nay khiến ba mẹ bối rối và không biết nên chọn món nào cho con.

Đó là lý do, ở bài viết này, mình sẽ chia sẻ tới ba mẹ một số món đồ chơi phù hợp cho bé từ 6 tháng tuổi. Hy vọng sẽ cùng ba mẹ chăm sóc và nuôi dưỡng bé lớn khôn một cách phù hợp và tốt nhất nhé.

Bắt đầu nào… 

1. Quả bóng, lựa chọn lý tưởng trong các món đồ chơi cho bé 6 tháng tuổi trở lên

Mình nhận thấy một điều đó là hầu hết các bé đều rất thích các quả bóng. Với những quả bóng đầy màu sắc, các bé có thể tung, ném, đá,… và thực hiện vô vàn hoạt động khác. Vậy nên chơi cùng bóng sẽ là hoạt động vô cùng thú vị cho các bé trong độ tuổi 6 – 12 tháng.

Các loại bóng thì khá đa dạng về chất liệu và kích thước. Từ những quả bóng nhỏ chỉ bằng nắm tay cho đến những quả bóng to hơn. Bóng được làm từ nhựa hoặc từ vải… Ba mẹ có thể lựa chọn loại bóng phù hợp cho bé. Mình thì ưu tiên chọn bóng nhựa cho bé hơn. Bởi bóng nhựa khá nhẹ nhàng, bé dễ dàng cầm nắm hay tung bóng.

Tại sao nên cho bé chơi cùng bóng?

Việc cho bé chơi cùng những quả bóng sẽ mang đến những lợi ích cả về tư duy và vận động. Khi bé chơi với bóng, khả năng vận động sẽ trở nên linh hoạt hơn. Đặc biệt là sự phối hợp nhịp nhàng giữa tay, mắt. Quá trình chơi bóng cũng vì vậy mà thúc đẩy sự phát triển khả năng quan sát của trẻ.

Quả bóng là món đồ chơi cho bé 6 tháng rất phù hợp

Những quả bóng luôn phù hợp khi mẹ tìm kiếm món đồ chơi cho bé 6 tháng tuổi trở lên 

Gợi ý một số hoạt động chơi cùng bóng và lợi ích

Ba mẹ có thể ném bóng cùng bé

Một hoạt động đơn giản nhất đó là ba mẹ có thể ngồi đối diện bé và ném bóng cùng với bé. Ban đầu có thể ngồi gần, sau đó sẽ nhích dần khoảng cách ra xa hơn. Có thể bé sẽ chưa bắt bóng được ngay lúc đầu bởi bàn tay chưa linh hoạt. Vì vậy ba mẹ có thể hướng dẫn và làm mẫu cho bé. Dần dần bé sẽ được bắt được bóng, ném bóng và rất hứng thú với trò chơi này. 

Với hoạt động cùng bóng này, mẹ sẽ giúp bé rèn luyện được khả năng cầm nắm của đôi tay. Bàn tay trở nên linh hoạt và nhanh nhẹn hơn. Bên cạnh đó, quá trình bắt và ném bóng sẽ giúp cho đôi mắt của bé tinh nhanh hơn. Khả năng quan sát cũng nhờ đó mà phát triển.

Cho bé ném bóng vào rổ

Trong quá trình chơi, ba mẹ và bé cũng có thể sáng tạo nên nhiều trò chơi cùng với bóng. Ném bóng vào rổ, vào thùng là một ví dụ. Đối với các bé trong độ tuổi 6 – 12 tháng, có thể nói hoạt động này sẽ giúp bé phát triển kỹ năng vận động lên một bậc cao. 

Chỉ với động tác ném bóng vào rổ đơn giản nhưng sẽ giúp bé rèn luyện được sự tập trung, sự quan sát. Bên cạnh đó là sự dẻo dai của đôi tay. 

Ba mẹ hãy chuẩn bị một cái rổ hoặc thùng, cho bé ngồi đối diện và ném từng quả bóng vào. Ban đầu sẽ ngồi gần rổ, sau đó khi bé đã ném quen, mẹ sẽ kéo rổ xa dần, xa dần mỗi lần một chút. Cứ như vậy, độ khó của trò chơi đã tăng dần và kỹ năng của bé cũng sẽ dần được nâng cao. Để bé hứng thú hơn, ba mẹ cũng nên ngồi chơi cùng bé. Và hãy khích lệ bé bằng những tiếng vỗ tay, khen ngợi mỗi khi bé ném trúng nhé. 

Đá bóng 

Trong độ tuổi 6 – 12 tháng, hầu hết các bé đã ngồi vững và bắt đầu tập đi. Vì vậy cho bé đá bóng cũng sẽ là một hoạt động rất tốt để giúp đôi chân bé thêm cứng cáp, dẻo dai. Từ đó hỗ trợ rất lớn cho việc tập đi của trẻ.

Ba mẹ có thể đỡ bé, dắt bé đá hoặc đi theo quả bóng. Mỗi lần bé chạm chân và đá quả bóng chắc chắn bé sẽ cười thích thú. Ba mẹ hoặc người thân theo dõi và cổ vũ mỗi lần bé đá quả bóng sẽ giúp bé hứng thú hơn với trò chơi này.

Để bé tự chơi cùng bóng

Ngoài việc chơi cùng bé thì với những quả bóng đầy thú vị này bé hoàn toàn có thể tự chơi được. Đặt bé vào một môi trường an toàn, cho bé những quả bóng đầy màu sắc. Chắc chắn bé sẽ tự nghĩ ra được cách để chơi với bóng. Chẳng hạn như mình thấy bé có thể dùng hai quả bóng đập vào nhau, bé tự ném bóng. Hay đơn giản là dùng tay bóp bóp quả bóng.

Như vậy chỉ với quả bóng đơn giản bé có thể thỏa sức khám phá nhiều hoạt động thú vị. Vậy nên đây chắc chắn là món đồ chơi cho bé 6 tháng đến 1 tuổi mà ba mẹ khó có thể bỏ qua.

2. Sách tương tác lật mở

Những cuốn sách tương tác (interactive book) là một gợi ý thú vị khi ba mẹ chọn đồ chơi cho bé độ tuổi này. 

Sách tương tác cho bé những trải nghiệm chân thật và sinh động

Sách tương tác cho bé cơ hội khám phá sự vật hiện tượng chân thực (Nguồn: internet)

Một vài điều về sách tương tác

Cách đây khoảng chục năm, sự xuất hiện của sách tương tác như một “làn gió mới” trong thị trường sách thiếu nhi Việt Nam. Sách được thiết kế với các trang được bồi nhiều lớp để tạo độ cứng và dày dặn. Kết hợp với những miếng lật mở hay những miếng kéo, đẩy, chuyển động rất thú vị. Cho đến nay, cùng với sự phát triển của công nghệ, các cuốn sách tương tác được thiết kế độc đáo và đa dạng hơn. Bên cạnh các miếng lật mở còn có sách được thiết kế với hình ảnh 3D sống động. Hay được gắn thêm cả các chất liệu thật. Nhờ đó cho trẻ những cảm nhận chân thật nhất về sự vật, hiện tượng, thế giới xung quanh.

Tại sao mẹ nên chọn sách tương tác là một loại đồ chơi cho bé 6 tháng tuổi?

Nói một cách khác đó là những quyển sách lật mở này mang lại lợi ích gì cho sự phát triển của trẻ? Chưa biết lợi ích là gì nhưng điều đầu tiên mình nhận thấy đó là nó hấp dẫn trí tò mò và khiến trẻ say mê, tập trung vào mỗi cuốn sách. Điều này có vẻ sẽ hữu ích trong việc xây dựng niềm yêu thích đọc sách cho bé ngay từ nhỏ.

Với mỗi cuốn sách tương tác bé vừa có thể đọc, vừa có thể chơi. Bé tha hồ khám phá, trải nghiệm thông qua các động tác cầm, nắm, chạm,… Và riêng với các bé trong độ tuổi 6 – 12 tháng, việc cho bé tiếp xúc với sách tương tác sẽ mang đến một số lợi ích như:

Rèn luyện sự khéo léo của đôi tay

Ở độ tuổi này, bé sẽ cần rất nhiều hoạt động để rèn luyện sự dẻo dai, khéo léo của đôi tay.Từ đó chuẩn bị cho các hoạt động phức tạp hơn sau này. Chẳng hạn như tập cầm thìa xúc ăn,… Với sách tương tác, các miếng hình sẽ kích thích bé sử dụng những ngón tay để lật, mở hay kéo, đẩy. Nhờ quá trình này mà ngón tay, bàn tay của bé sẽ dần trở nên linh hoạt, khéo léo hơn.

Giúp bé tăng cường sự tập trung

Sự thú vị của những miếng hình đó sẽ khiến bé có thể rời mắt. Khi miếng hình được mở ra hay được di chuyển từ chỗ này sang chỗ khác, đôi mắt của bé cũng di chuyển theo. Chính hành động nhỏ này lại là điều kiện tuyệt vời để bé tăng cường sự tập trung của thị giác. Là điều kiện để rèn luyện sự tập trung cho bé sau này.

Phát triển ngôn ngữ một cách hiệu quả

Đây là lợi ích không có gì để bàn cãi khi cho bé tiếp xúc và đọc sách cho bé. Với sách tương tác, trong quá trình lật mở, ba mẹ có thể đọc to nội dung trong sách để giúp con mở rộng được vốn từ vựng. Từ đó thúc đẩy sự phát triển ngôn ngữ của trẻ một cách tốt hơn. 

Có thể mẹ cần: 5 đầu sách hay cho bé tập nói được nhiều ba mẹ lựa chọn

Gợi ý một số sách tương tác hay cho bé 6 – 12 tháng

Có rất nhiều bộ sách tương tác cho trẻ em. Tuy nhiên, ở giai đoạn này ba mẹ nên ưu tiên lựa chọn các cuốn sách ít chữ, chữ to, hình ảnh rõ nét. Các miếng tương tác cũng đơn giản, dễ dàng thao tác. Một số gợi ý về sách tương tác cho bé độ tuổi này ba mẹ có thể tham khảo như:

Thân gửi sở thú – một cuốn sách được rất nhiều trẻ em yêu thích. Cuốn sách được biên soạn với các mẫu câu và từ vựng đơn giản. Các cấu trúc câu lặp lại giúp trẻ ghi nhớ dễ dàng. Các miếng lật được bê tròn, an toàn cho bé và lật mở rất êm ái. 

Mông ai đây nhỉ – cuốn sách lật mở nhìn mông đoán con vật, thúc đẩy khả năng phán đoán cho trẻ.

5 quả táo nhỏ – cuốn sách để bé tiếp xúc với số lượng cũng như hiểu biết về thức ăn của một số loài động vật.

Ngoài ra còn một số cuốn sách như: Ú òa, Mẹ đâu rồi,… Mẹ có thể xem cụ thể hơn về bộ sách này qua review này nhé. 

3. Giỏ đồ khám phá

Đây là món đồ chơi cho bé 6 tháng đến 1 tuổi mà mẹ hoàn toàn có thể tự làm. Ở độ tuổi này, thật ra cũng không cần quá nhiều đồ chơi cho bé. Mình nhận thấy bé rất thích khám phá những đồ vật có ngay trong nhà, xung quanh cuộc sống của bé. Chẳng hạn như chỉ với chiếc cốc nhựa, chiếc lược chải đầu,… Bé có thể tự mày mò chơi được mấy chục phút đồng hồ.

Hãy thiết kế chiếc giỏ thành đồ chơi cho bé 6 tháng trở lên

Với chiếc giỏ như thế này mẹ có thể sáng tạo được một đồ chơi thú vị cho bé (Nguồn:internet)

Làm giỏ đồ khám phá cho bé như thế nào?

Rất đơn giản thôi ạ. Ba mẹ chỉ cần lựa một chiếc giỏ tre, giỏ nhựa hay thậm chí hộp nhựa, thùng các tông. Sau đó bỏ vào đó những đồ vật quen thuộc trong nhà. Chẳng hạn như bình nước của bé, mấy quả bóng, chiếc khăn tay, chiếc cặp càng cua của mẹ,… Nói chung là bất cứ đồ vật gì trong nhà. Miễn là vừa tay cầm với bé và đảm bảo an toàn cho bé là được. 

Lợi ích của việc cho bé chơi giỏ đồ khám phá

Ba mẹ có tin là chỉ với chiếc giỏ này, bé con có thể mày mò và tự chơi được đến 20 – 30 phút. Đơn giản với các động tác lấy đồ ra, bỏ đồ vào. Rồi sau đó là khám phá từng món đồ một. Các bé con của chúng ta đôi khi đơn giản vậy thôi. Và chỉ với hoạt động này có thể giúp bé:

Rèn luyện khả năng vận động, đặc biệt là sự khéo léo của đôi tay.

Rèn luyện được sự tập trung cùng khả năng chơi tự lập. Quá trình chơi cũng giúp cho bé có thêm nhiều cảm nhận về sự vật hơn.

Và với chừng ấy thời gian bé chơi với giỏ đồ khám phá, mẹ có thể làm thêm được khá khá công việc khác rồi. Một công đôi việc. Vậy nên không lý do gì để ba mẹ thiết kế ngay món đồ chơi cho bé 6 tháng đến 1 tuổi này nhé. 

4. Hộp bí mật

Đây cũng là một gợi ý nữa cho ba mẹ trong việc tự làm đồ chơi cho bé trong độ tuổi này. Ba mẹ chỉ cần chuẩn bị một chiếc hộp các tông nhỏ. Sau đó cắt một khoanh phía trên mặt hộp sao cho vừa với tay ba mẹ. Chuẩn bị những đồ vật, những món đồ chơi nhỏ hay bất kỳ vật nào có thể bỏ vào hộp. Với đồ chơi này, ba mẹ hãy chơi cùng bé để tăng sự thú vị và hấp dẫn. Hãy bắt đầu với câu hỏi ví dụ như “Trong hộp này có gì con nhỉ?”. Sau đó thò tay vào lấy ra một vật và reo to cùng bé : “A là cái khăn này”. Mẹ có thể điều chỉnh âm điệu trong khi nói để tăng độ ly kỳ, thú vị của trò chơi. Cứ như vậy, hãy hướng dẫn bé tự lấy đồ và đọc to tên đồ vật mỗi khi bé cầm lên. 

Với hoạt động vô cùng đơn giản này sẽ là cách để bé nhận biết tên các đồ vật một cách rất tốt. Quá trình mẹ chơi, giao tiếp, giới thiệu đồ vật cho bé cũng là cơ hội giúp bé mở rộng vốn từ. Một tuyệt chiêu dạy bé tập nói sớm vô cùng hiệu quả đấy ạ. Chơi hộp bí mật cũng là cách để bé rèn luyện sự tinh nhanh cho đôi tay và đôi mắt nữa đấy.

5. Bảng bận rộn (Busy Board)

Đúng như tên gọi, chiếc bảng này sẽ khiến các bé khá bận rộn lắm đây. Bởi nó khá nhiều thứ để bé khám phá. Hiện tại có khá nhiều loại bảng bận rộn khác nhau. Tuy nhiên với các bé ở độ tuổi này, mình nghĩ nên chọn cho bé những chiếc bảng với thiết kế không quá phức tạp. Bảng cũng không nên quá nhiều chi tiết. Về chất liệu thì bằng gỗ hay bằng nhựa có lẽ phù hợp nhất.

Bảng bận rộn, một gợi ý tuyệt vời khi chọn đồ chơi cho bé 6 tháng trở lên

Bảng bận rộn giúp bé nhận biết và hình dạng và màu sắc (Nguồn: internet)

Mình gợi ý cho ba mẹ chiếc bảng bận rộn Montessori trên đây. Bảng được thiết kế  với các hình khối, giúp bé nhận biết hình dạng và màu sắc. Theo thông tin mình tìm hiểu thì bảng phù hợp với bé từ 6 tháng trở lên. Nhưng mình thấy bé từ 9 tháng tuổi chơi là phù hợp nhất.

Lý do bảng bận rộn nên được chọn là món đồ chơi cho bé 6 tháng trở lên

Do bảng được thiết kế rất đa dạng. Vậy nên chỉ với một chiếc bảng bé có thể thực hiện được rất nhiều hoạt động khác nhau. Từ đó giúp bé phát triển được một kỹ năng về vận động hay tư duy nào đó. 

Chẳng hạn với chiếc bảng mà mình vừa gợi ý giúp bé nhận biết được hình khối, màu sắc. Thông qua quá trình chơi trẻ cũng rèn luyện và phát triển kỹ năng vận động tinh. Phát triển về giác quan, rèn luyện được sự tập trung và kiên nhẫn,… 

Có thể nhiều ba mẹ sẽ thốt lên rằng: chiếc bảng đơn giản thế, làm gì mà ghê gớm, phát triển các thứ thế. NHƯNG MÀ, ba mẹ cứ tin đi, thời gian sẽ cho thấy bé thay đổi ra sao. Đơn giản như ghép các hình khối vào đúng ô thôi. Ban đầu đôi tay lóng ngóng sẽ chẳng thể để các hình vào đúng ô. Nhưng kiên trì qua các lần chơi, mẹ sẽ ngạc nhiên khi bé đã biết xếp đúng hình vào ô. Quá trình đó chẳng phải đã rèn luyện sự kiên nhẫn cho bé sao. Không kiên nhẫn tập luyện thì sao bé có thể xếp đúng ô. Rồi kết hợp với việc ba mẹ đọc to tên các hình khối nữa thì chẳng bao lâu bé sẽ nhận biết được hình khối thôi.

6. Đồ chơi chong chóng 

Có một lần dạo quanh shopee tìm kiếm đồ chơi cho bé 6 tháng tuổi và mình tìm được những chiếc chong chóng này. Những chiếc chong chóng được làm từ nhựa, khá nhẹ nhàng. Màu sắc và hoạt tiết rất tươi sáng bắt mắt. Điều thú vị là mấy chiếc chong chóng này xoay tít, tròn xoe vô cùng sinh động. Và mỗi lần chong chóng xoay là bé luôn hò reo thích thú và vỗ tay rất nhiệt tình nữa. 

Chóng chóng cũng là món đồ chơi cho bé 6 tháng cực thú vị

Những chiếc chong chóng là món đồ chơi đầy thú vị cho bé (Nguồn: internet)

Lợi ích khi cho bé chơi chong chóng

Với mình thì chiếc chong chóng này là món đồ giúp mình rất thành công trong việc dụ dỗ bé mỗi lần bé khóc. Mỗi khi bé khóc chỉ cần mang chiếc chong chóng ra cho nó xoay tít là bé vui vẻ lại ngay. Và đặc biệt khi được tự tay chạm và xoay chóng chóng thì sẽ càng thích thú hơn. 

Chiếc chong chóng nhỏ xinh này cũng khá lợi hại nha ba mẹ. Đơn giản thế thôi cũng giúp trẻ phát huy, phát triển các thứ đấy ạ. Chẳng hạn như việc bé dùng các ngón tay xoay cho chong chóng quay tròn. Điều này sẽ giúp cho đôi tay trở nên khéo léo, nhanh nhẹn hơn. Hay sự phối hợp giữa tay và mắt hiệu quả hơn. Đôi mắt của bé cũng sẽ tinh nhanh hơn khi nhìn theo sự di chuyển quay tít của chiếc chong chóng. Với thiết kế màu sắc nhẹ nhàng, tươi sáng, đây cũng là món đồ chơi giúp bé cảm nhận màu sắc một cách khá hiệu quả.

Một món đồ nhỏ xinh nhưng cũng rất nhiều lợi ích. Vậy thì đây sẽ là gợi ý không tồi cho ba mẹ trong việc chọn đồ chơi cho bé 6 tháng tuổi trở lên rồi.

7. Thú nhồi bông

Theo dõi những kênh nhạc thiếu nhi nước ngoài như Cocomelon, ABC Kids hay Super simple song…Ba mẹ có thắc mắc tại sao luôn có hình ảnh em bé ôm chú gấu bông trên tay không ạ. Và trong Easy, một phương pháp nuôi dạy trẻ nổi tiếng ở Việt Nam và trên thế giới. Có lẽ không thể thiếu hình ảnh thú nhồi bông Doudou trong trình tự đi ngủ của bé. Hay hình ảnh những bé gái ôm những chú bông nhỏ trên tay, mang theo khắp nơi không còn quá xa lạ tại Việt Nam.

Tất cả nằm ở lợi ích tuyệt vời khi cho bé tiếp xúc hoặc chơi cùng thú bông

Những chú thú bông tạo cho trẻ cảm giác an toàn và gần gũi hơn. Với trẻ em, những chú thú nhồi bông được coi như một người bạn, người thân. Cho bé cảm giác thân quen, bớt trống trải và an toàn. Nhờ vậy, giúp bé dễ dàng đi vào giấc ngủ. Hoặc là yên tâm, tự tin hơn khi ở chốn đông người.

Một lợi ích nữa khi chọn thú nhồi bông làm đồ chơi cho bé 6 tháng trở lên đó là rèn luyện được sự tự tin và khả năng giao tiếp. Ba mẹ có thể cùng bé tái diễn lại những hoạt động thú vị cùng thú bông. Bằng việc trò chuyện với thú bông. Cho thú bông tham gia vào các hoạt động cùng bé. Hay đơn giản như xoa chân thú bông khi bị rơi ngã. Một hành động nhỏ nhưng cũng là cách tuyệt vời để bé biết yêu thương mọi vật. Từ đó xây dựng và bồi đắp tình yêu thương mọi người cho bé sau này. 

Thú bông là lựa chọn tuyệt vời cho bé trong độ tuổi 6 - 12 tháng

Thú nhồi bông mang đến cho bé cảm giác thân quen và an toàn hơn

Một nghiên cứu từ các nhà khoa học phương Tây đã chỉ ra rằng. 70% trẻ nhỏ được chơi thú nhồi bông từ nhỏ có nền tảng và kiến thức xã hội tốt hơn nhiều so với những trẻ không được chơi thú nhồi bông.

Vậy nên không có lý do gì để ba mẹ cho bé một chú thú nhồi bông thật đáng yêu nhé. Chắc chắn là bé sẽ vô cùng thích thú.

KẾT LUẬN

Đến đây có lẽ ba mẹ phần nào đã có câu trả lời cho việc chọn đồ chơi cho bé 6 tháng đến 12 tháng tuổi rồi. Rõ ràng rằng, ở độ tuổi này, không nhất thiết phải chọn mua quá nhiều đồ chơi. Hay chọn những đồ chơi quá mắc tiền, cao siêu gì cho bé. Đôi khi chỉ cần một chút sáng tạo, một chút tỉ mỉ, quan sát ba mẹ có thể cho bé những món đồ chơi và những hoạt động vô cùng bổ ích và thú vị rồi. Phải không ạ?

Hãy cùng bé tận hưởng những niềm vui trong hành trình lớn khôn qua những món đồ chơi, những hoạt động này nhé.

Và đừng quên comment những gợi ý của ba mẹ những đồ chơi phù hợp cho bé từ 6 tháng tuổi để các ba mẹ cùng tham khảo.

Chúc ba mẹ và bé luôn vui!


Bạn có yêu thích bài viết này? Nếu có hãy theo dõi blog nhiều hơn nữa để mình có thêm động lực cho những chia sẻ tiếp theo nhé. 

 

Leave a Reply