Các nghiên cứu khoa học đều chỉ ra rằng: Những trẻ có EQ cao thường vui vẻ lạc quan và dễ thành công hơn khi trưởng thành. Ngược lại những trẻ có EQ thấp thì sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trong sự nghiệp, các mối quan hệ,… Và nếu như chỉ số IQ có thể phát triển thông qua việc học tập ở sách vở, trường học thì EQ cũng hoàn toàn có thể rèn luyện được.
Vậy, chỉ số EQ là gì? Nó có ảnh hưởng như thế nào đến quá trình phát triển, trưởng thành của trẻ? Và tại sao thời gian gần đây chỉ số này lại được rất nhiều ba mẹ quan tâm, tìm hiểu.
Chỉ số EQ là gì? Làm thế nào để phát triển EQ ở trẻ
Bài viết dưới đây sẽ phần nào giúp ba mẹ hiểu rõ hơn về những vấn đề trên.
1. Chỉ số EQ là gì?
EQ là từ viết tắt của Emotional Quotient có nghĩa là chỉ số thông minh cảm xúc, hay còn được gọi là trí tuệ cảm xúc. Đây là chỉ số đánh giá mức độ phản ứng, khả năng điều tiết cảm xúc và khả năng sáng tạo, tưởng tượng trong mỗi con người.
Theo đó những người có chỉ số EQ cao sẽ có khả năng tự nhận thức bản thân mình tốt, chịu được áp lực, biết điều tiết cảm xúc và giữ được bình tĩnh hơn trước mọi tình huống. Bên cạnh đó, họ cũng là người biết đồng cảm với mọi người và có kỹ năng giao tiếp tốt. Họ có khả năng sáng tạo và tưởng tượng tốt. Nhiều nghiên cứu cũng đã chỉ ra những người có EQ cao thường có khả năng thành công sau này về sự nghiệp, các mối quan hệ… Có lẽ vì lý do đó mà ngày nay, bên cạnh chỉ số IQ thì EQ cũng được nhiều ba mẹ quan tâm, bồi dưỡng và rèn luyện cho con.
2. Chỉ số EQ bao nhiêu là cao?
Theo một số nghiên cứu, chỉ số EQ được phân chia thành các mức độ như sau:
– Người có EQ dưới 85: Nhóm có EQ thấp. Những người thuộc nhóm đối tượng này thường có khả năng sáng tạo kém. Họ thường chỉ chiếm một phần nhỏ dân số của thế giới.
– Người có EQ từ 86 đến 115: Nhóm có EQ phổ biến trên thế giới. Những người thuộc nhóm này có khả năng sáng tạo tương đối tốt.
– Người có trên 115 đến 131: Nhóm có EQ cao, chiếm khoảng 15 % dân số thế giới. Những người thuộc nhóm này thường dễ đạt được thành công.
– Người có EQ cao trên 131: Nhóm này chiếm chưa đến 2% dân số thế giới.
3. Các biểu hiện ở trẻ có EQ cao và trẻ có EQ thấp
Việc nhận biết trẻ có chỉ số EQ cao hay thấp sẽ giúp ba mẹ có sự tác động phù hợp hơn trong quá trình nuôi dạy và chăm sóc bé.
Những biểu hiện ở trẻ có EQ cao
– Trẻ dễ dàng điều tiết cảm xúc của bản thân và có thể giữ được bình tĩnh. Trẻ thường có những cách rất riêng để quản lý cảm xúc của mình. Chẳng hạn thay vì la hét khi tức giận với ai đó, trẻ có thể hít thở sâu, im lặng và đi ra chỗ khác…
– Trẻ thân thiện và hay giúp đỡ mọi người, hay nói cách khác là trẻ biết đồng cảm với mọi người xung quanh. Trẻ có thể nhìn nhận được cảm xúc của người khác và từ đó có những cách riêng để chia sẻ, an ủi hay giúp đỡ họ.
– Trẻ cũng biết thể hiện lòng biết ơn. Đây là một trong những điều rất cần thiết trong quá trình trưởng thành của trẻ. Nó có thể giúp trẻ xây dựng được các mối quan hệ tốt, được mọi người yêu mến và tin tưởng hơn.
– Trẻ cũng cảm thấy dễ chịu khi nói không. Nói “không” có thể khó khăn với nhiều người. Nhưng với những người có chỉ số EQ cao thì điều này lại không hề làm khó họ. Họ biết được khi nào nên nói không và sẽ thẳng thắn nói nếu cảm thấy điều đó là phù hợp với bản thân. Và với trẻ em cũng thế.
Trẻ có eq cao thường có khả năng điều tiết cảm xúc tốt
Biểu hiện ở trẻ có chỉ số EQ thấp
– Dễ mất bình tĩnh, thường xuyên ăn vạ, khóc lóc
Đây là những cảm xúc bình thường và có trong hầu hết các em bé. Khi tức giận hay không hài lòng về việc gì đó, trẻ có thể khóc lóc, ăn vạ…Tuy nhiên, nếu như những biểu hiện này diễn ra quá thường xuyên, ba mẹ khó kiểm soát được thì đó là biểu hiện của trẻ có EQ thấp.
– Thích đổ lỗi và trút giận lên người khác
Khi trẻ còn nhỏ, biểu hiện này có thể dừng lại ở việc chê bai nói xấu người khác. Khi lớn lên, nó sẽ phát triển thành tính ghen tị, luôn đố kỵ với người khác và không bao giờ cảm thấy hài lòng, hạnh phúc.
– Trẻ ích kỷ và chỉ quan tâm đến bản thân mình
Chẳng hạn như khi vui chơi cùng bạn bè, trẻ chỉ muốn mình là người trung tâm chú ý. Trẻ dễ làm người khác tổn thương như đánh bạn, chê bai, nói xấu bạn…
– Trẻ chỉ thích được khen và thường tức tối khi bị phàn nàn
Rất nhiều trẻ thường chỉ vui vẻ với những lời khen. Khi chúng bị phàn nàn, nhắc nhở thì sẽ tức tối hay chống đối lại. Lâu dần trẻ sẽ dần dần không phân biệt được đúng sai, không đánh giá được bản thân mình và có thể trở nên tự cao tự đại.
4. Các bí quyết giúp trẻ tăng chỉ số EQ
Tương tự như chỉ số IQ, EQ hoàn toàn có thể phát triển nếu được rèn luyện và bồi dưỡng một cách đúng đắn. Và nếu như IQ có thể phát triển thông qua trường lớp và sách vở thì EQ lại có thể được rèn luyện thông qua cuộc sống. Và đối với trẻ nhỏ, ba mẹ chính là những người giữ vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ và giúp phát triển EQ cho trẻ. Một số cách ba mẹ có thể tham khảo để tăng EQ cho trẻ như:
Thể hiện tình yêu thương với trẻ nhiều hơn
Các nhà khoa học đã chứng minh EQ cũng bị ảnh hưởng bởi yếu tố di truyền. Theo đó, những người có chỉ số EQ thấp sẽ có nồng độ Oxytocin thấp. Oxytocin được coi như là hormone tình yêu. Nó như một chất xúc tác giúp kết nối mối quan hệ con người với con người, làm giảm stress và giúp mỗi người cảm thấy hạnh phúc hơn.
Việc ba mẹ thể hiện tình yêu thương với trẻ nhiều hơn bằng những cái ôm, cái nắm tay hay nụ cười trìu mến sẽ là cách giúp gia tăng nồng độ Oxytocin. Đó cũng là cách trẻ cảm thấy được yêu thương, quý trọng và hạnh phúc hơn.
Thể hiện tình yêu thương với trẻ nhiều hơn là cách để tăng chỉ số EQ hiệu quả
Chia sẻ và dành nhiều thời gian bên con
Dành nhiều thời gian chất lượng bên con cũng là cách để ba mẹ lắng nghe, quan sát và thấu hiểu được cảm xúc của trẻ. Ba mẹ có thể:
– Đọc sách cùng con. Những cuốn sách bồi dưỡng tình yêu thương hay những bộ sách giúp phát triển EQ có rất nhiều. Ba mẹ có thể tham khảo và lựa chọn cuốn sách phù hợp để đọc cùng trẻ mỗi ngày.
Tham khảo bộ sách bồi dưỡng chỉ số EQ cho trẻ mầm non
– Chia sẻ và nói chuyện với con nhiều hơn. Ba mẹ cũng nên thấu hiểu và đồng cảm với những cảm xúc của con. Hãy cố gắng tìm hiểu tại sao con khóc, tại sao con mè nheo, ăn vạ… Hiểu được cảm xúc của trẻ và không áp đặt quan điểm cá nhân một cách bảo thủ lên trẻ là cách để giúp chỉ số cảm xúc của con được cải thiện hiệu quả hơn. Ba mẹ cũng nên là người thành thật, không nên nói dối trẻ. Khi nói dối, trẻ sẽ dần mất đi sự tin tưởng và không muốn chia sẻ với ba mẹ nữa.
– Chơi cùng con mỗi ngày. Trong một ngày, ba mẹ sẽ có rất nhiều công việc bận rộn. Tuy vậy hãy cố gắng dành khoảng vài chục phút thời gian chất lượng để chơi cùng con. Cùng con chơi một trò chơi, cùng con cười đùa vui vẻ… Đó cũng là cách để trẻ cảm thấy thoải mái và hạnh phúc hơn.
Bồi dưỡng tinh thần lạc quan cho con
Một đứa trẻ có chỉ số EQ cao thường luôn vui vẻ và giữ được bình tĩnh trước mọi tình huống, hoàn cảnh. Đó cũng là nhờ trẻ có một tinh thần lạc quan, luôn luôn sũy nghĩ tích cực. Vậy nên, bồi dưỡng tinh thần lạc quan cho trẻ cũng là cách để tăng EQ. Để thực hiện điều này, có một số việc ba mẹ nên làm như:
– Khuyến khích trẻ bộc lộ những cảm xúc thực sự của mình. Ví dụ khi con tức giận, khi con buồn, e ngại hay xấu hổ hay khi con vui vẻ… Khi đó con có thể khóc, có thể cười sảng khoái, có thể quay mặt hoặc nấp sau lưng mẹ… Đó là cách để trẻ nhận diện được cảm xúc tiêu cực, tích cực của chính bản thân. Một vài hoạt động giúp con nhận diện cảm xúc khá tốt như đọc sách về cảm xúc, đóng kịch,…
– Hướng dẫn trẻ cách quản lý cảm xúc tiêu cực, cách chuyển cảm xúc từ tiêu cực sang tích cực. Khi trẻ đã nhận diện được cảm xúc của mình, ba mẹ có thể dần dần chỉ cho bé cách điều tiết cảm xúc của mình. Ví dụ như khi con cảm thấy tức giận, con có thể đấm tay vào gối, có thể dậm chân… Hay khi con ấm ức con có thể khóc, có thể ôm hoặc nói chuyện cho ba mẹ biết tại sao như thế…
– Ba mẹ cũng nên là người làm gương cho con noi theo. Khi ba mẹ luôn vui vẻ tươi cười thì con cũng sẽ như thế. Khi ba mẹ bình tĩnh, không la hét hay tức giận trước những tình huống bất ngờ xảy ra thì bé có thể sẽ học được điều đó từ ba mẹ. Hoặc khi ba mẹ thường xuyên sử dụng những ngôn từ tích cực với trẻ thì cũng sẽ trở nên vui vẻ, lạc quan hơn. Ngược lại, nếu ba mẹ suốt ngày cáu giận, quát mắng thì dần dần bé cũng sẽ học theo những cảm xúc đó.
Đọc thêm:
7 Cách Kiềm Chế Cơn Giận Với Con Khi Ở Nhà
Câu Chuyện Con Ếch Và Bài Học Về Sức Mạnh Của Lời Nói Với Con Trẻ
——
Nếu như IQ được coi là cách để chúng ta phân tích một vấn đề thì EQ chính là cách để điều chỉnh vấn đề đó sao cho phù hợp, hiệu quả nhất. EQ càng cao thì chúng ta càng dễ dàng hơn trong việc điều chỉnh, cân bằng cuộc sống sao cho thoải mái và hạnh phúc. Chính vì lý đó, việc nhận biết chỉ số EQ là gì cũng như cách để tăng EQ cho trẻ ngay từ sớm cũng là một việc làm quan trọng trong quá trình nuôi dạy trẻ.