Trẻ Ăn Vạ, 5 Cấp Độ Và Cách Xử Lý Giúp Trẻ Ngoan, Hạn Chế Ăn Vạ

Mỗi khi trẻ ăn vạ, giận dữ, khóc lóc, ba mẹ sẽ giải quyết như thế nào?

Chắc chắn có nhiều ba mẹ sẽ tức giận, quát mắng, dọa nạt để cơn ăn vạ của trẻ mau chóng chấm dứt.

Hoặc có những ba mẹ bối rối, lo lắng và vội vàng dụ dỗ hoặc chấp thuận các yêu cầu của trẻ, để trẻ ngừng khóc, ngừng ăn vạ.

Tuy nhiên, cũng có những ba mẹ lại hết sức bình tĩnh, đối mặt với cơn ăn vạ của trẻ một cách thông minh.

cách xử lý khi trẻ ăn vạ ở cấp độ 1,2,3

Ăn vạ là một hành vi bình thường ở trẻ nhỏ

Hầu hết các ba mẹ đều biết rằng, nguồn cơn của các cơn ăn vạ là do những nhu cầu, mong muốn của trẻ không được đáp ứng. Và ăn vạ là một hành động hết sức bình thường ở con trẻ, đặc biệt là trong giai đoạn trẻ 1-3 tuổi. Nếu như hiểu rõ về vấn đề này thì chắc chắn ba mẹ sẽ có những cách xử lý hết sức khoa học, giúp trẻ nhận biết được cảm xúc của bản thân, chấp nhận những thỏa hiệp và hạn chế được rất nhiều số lần ăn vạ sau này. 

Theo nhiều nghiên cứu thì quá trình trẻ ăn vạ sẽ trải qua 5 cấp độ. Và ở mỗi cấp độ đều có những hướng xử lý riêng. Nhận  biết được biểu hiện của trẻ ở từng cấp độ của quá trình ăn vạ, nắm bắt được hướng xử lý và giúp trẻ trải qua các cấp độ một cách tuần tự sẽ là cách tốt nhất để tôi luyên cảm xúc ở trẻ. Từ đó giúp trẻ ngoan hơn và giảm thiểu các cơn ăn vạ một cách hiệu quả.

1. Làm thế nào khi trẻ ăn vạ ở cấp độ 1, 2, 3?

Biểu hiện ở trẻ trong từng cấp độ của cơn ăn vạ

Ở cấp độ 1 là thời điểm trẻ bắt đầu cơn ăn vạ. Lúc này thông thường trẻ sẽ rất giận dữ, có thể la hét rất to. Trẻ có thể trút giận vào các vật thể (ví dụ như ném đồ đạc) hoặc thậm chí đánh những người xung quanh. Cấp độ này chỉ chiếm một khoảng thời gian rất ngắn, tầm vài phút trong quá trình ăn vạ.

Sang cấp độ 2, trẻ bắt đầu khóc lóc, giãy giụa hoặc lăn lộn. Quá trình này thường chiếm khoảng 40% trong các cơn ăn vạ. Đây cũng là lúc khiến các ông, bà bố mẹ dễ dàng mủi lòng và chạy đến dỗ dành, nịnh nọt nhất.

Cấp độ 3, từ khóc lóc trẻ sẽ dần chuyển sang ỉ ôi. Trẻ có thể vẫn tiếp tục khóc nhưng âm lượng đã giảm dần. Thời điểm này nếu như ba mẹ hay người thân nếu có chạm vào người thì trẻ sẽ giãy nảy lên hoặc vùng vằng gạt bỏ đi. 

Đối mặt với 3 cấp độ trẻ ăn vạ này:

Ba mẹ không nên

– Quát  mắng, yêu cầu trẻ ngừng khóc hoặc thậm chí là la hét, đánh trẻ. Hành động này sẽ ảnh hưởng khá lớn đến cảm xúc của trẻ. Mẹ hãy thử tưởng tượng khi đang tức giận mà không được bộc lộ ra, phải giữ ở trong lòng sẽ khó chịu như thế nào. Khóc, la hét chính là cách để cảm xúc của trẻ được giải tỏa, giúp cho trẻ cảm thấy được dễ chịu hơn. Hơn nữa, việc kết thúc các cơn ăn vạ bằng đòn roi, bằng quát mắng sẽ khiến cho việc ăn vạ của trẻ mãi mãi chỉ dừng lại ở việc khóc lóc. Lâu dần sẽ khiến cho trẻ trở thành một đứa bé ương bướng, lì lợm, khó bảo trong mắt mọi người. 

– Dụ dỗ, nịnh nọt để trẻ mau chóng quên đi cơn giận dữ và ngừng khóc. Việc làm này có thể hiệu quả ngay lúc đó, giúp cho việc trẻ ăn vạ chấm dứt. Tuy nhiên, trẻ sẽ hiểu được rằng, khóc lóc, la hét chính là “vũ khí” để giúp mình đạt được mong muốn. Cứ khóc, cứ la hét là sẽ được chiều theo ý muốn. Và những cơn ăn vạ cứ như thế mà tiếp tục lặp lại, với tần suất nhiều hơn.

Ba mẹ nên

– Im lặng, để trẻ được khóc, la hét và thực hiện việc loại bỏ nguyên nhân khiến trẻ ăn vạ. Chẳng hạn như cất đồ đạc, tắt ti vi… Trong trường hợp mẹ và bé đang ở nơi công cộng như siêu thị thì mẹ cũng nên để cho bé khóc. Hoặc mẹ dắt bé đến một góc ít người hơn và để bé tiếp tục với việc khóc lóc của mình. Việc của mẹ là im lặng và quan sát. Nếu ở nhà, ba mẹ có thể đưa bé vào phòng riêng và ở trong đó cùng bé. Tránh trường hợp khi thấy bé khóc lóc, ông bà hay người thân lại thấy thương mà nhanh chóng chiều theo ý bé. 

– Bĩnh tĩnh và không gấp gáp tác động, thỏa hiệp để bé quên cơn giận dữ. Bất kỳ một hành vi nào của mẹ lúc này cũng có thể là tín hiệu để trẻ kéo dài thời gian ăn vạ hơn cho những lần sau. Thay vào đó mẹ tiếp tục im lặng và quan sát cảm xúc hành vi, cảm xúc của bé khi đó.

(Để hiểu hơn về cảm xúc của trẻ, ba mẹ có thể tham khảo cuốn sách “Đọc vị cảm xúc của trẻ”, một cuốn sách khá chi tiết giúp ba mẹ thấu hiểu cảm xúc con trẻ hơn. Từ đó giúp ba mẹ có được những hành vi phù hợp với trẻ.)

Trong trường hợp tình trạng khóc lóc của trẻ quá dài và mẹ nhận thấy không có dấu hiệu giảm bớt thì có thể chuyển sự quan tâm của bé sang một vấn đề khác. Ví dụ như nếu ở nhà, trẻ ăn vạ vì không được xem ti vi, mẹ có thể chuyển sự chú ý của bé sang một món đồ chơi, một con vật mà bé hứng thú… Tuy nhiên, khi cơn khóc lóc, giận dữ đã nguôi dần, mẹ cùng đừng quên thực hiện những việc ở cấp độ ăn vạ 4 dưới đây.

Đọc thêm: 5 Bước Tập Cho Bé Tự Chơi, Lợi Ích Và Những Nguyên Tắc Mẹ Cần Lưu Ý

Các cách xử lý trẻ ăn vạ

Mẹ nên bình tĩnh khi xử lý cơn ăn vạ của trẻ ở giai đoạn đầu

2. Cách xử lý khi trẻ ăn vạ ở cấp độ 4

– Biểu hiện của trẻ ở cấp độ này đó là việc khóc lóc của trẻ giảm dần. Trẻ bắt đầu nhìn ngó quanh để tìm kiếm sự giúp đỡ. Đây chính là lúc cần sự can thiệp của ba mẹ hoặc người thân.

Ba mẹ nên: Ôm bé vào lòng, nhẹ nhàng nói chuyện với trẻ. Ba mẹ có thể bắt đầu với việc đồng cảm với cảm xúc, mong muốn của con và từ từ giải thích cho bé hiểu. Chẳng hạn như khi bé đòi ăn một chiếc bánh ngọt ngay sát giờ ăn trưa, mẹ có thể nói: “Mẹ biết con đang rất buồn”, “Mẹ biết con muốn ăn chiếc bánh này. Mẹ cũng muốn ăn chứ. Nhưng….”. Mẹ có thể nhẹ nhàng giải thích cho bé vì sao chúng ta không nên ăn bây giờ. Và nếu được có thể nói với bé chúng ta sẽ ăn sau khi ngủ trưa. (Mẹ nhớ giữ đúng lời hứa với bé). Việc đồng cảm với mong muốn, cảm xúc sẽ phần nào khiến trẻ được an ủi hơn.

Khi đã trải qua tuần tự các cấp ăn vạ 1,2,3 thì ở cấp 4 này, hầu hết trẻ đều tỏ ra rất hiểu chuyện và sẽ hiểu những gì mẹ nói. Đây cũng là lúc để mẹ giúp bé nhận biết về những hành vi vừa rồi của mình. Trẻ sẽ hiểu rằng ăn vạ không phải là cách hay để đòi hỏi. Từ đó, ở những lần sau trẻ có thể sẽ biết kiềm chế cảm xúc hơn, dễ dàng thỏa hiệp, thương lượng hơn.

3. Cách xử lý trẻ ăn vạ ở cấp độ 5

Đây là lúc cơn ăn vạ kết thúc. Trẻ sẽ vui chơi và nhẹ nhàng lại với ba mẹ như chưa có việc gì xảy ra vậy.

Rõ ràng, nếu ba mẹ xử lý trẻ ăn vạ bằng đòn roi hay quát mắng, trẻ sẽ ngừng khóc, cơn ăn vạ nhanh chóng chuyển từ cấp độ 1,2,3  qua cấp độ 5, bỏ qua cấp độ 4. Như vậy, trẻ sẽ không cảm nhận được sự yêu thương. Cảm xúc của trẻ phần nào bị tổn thương, sự giận dữ vẫn ở trong lòng. Trẻ cũng không hiểu được hành vi vừa rồi của mình là đúng hay sai.

Mẹ nên lưu ý rằng, để cơn ăn vạ của trẻ trải qua tuần tự từng cấp độ trong an toàn sẽ là cách để cảm xúc của trẻ trưởng thành hơn. Đó là điều kiện để ba mẹ dễ dàng hơn với những thỏa hiệp, khuyên nhủ tiếp sau đó. Các cơn ăn vạ cũng vì thế mà hạn chế được hơn nhiều. 

Gợi ý cho mẹ: 7 Cách Kiềm Chế Cơn Giận Với Con Khi Ở Nhà

Kết luận

Ăn vạ là một trong những hành vi rất bình thường ở trẻ nhỏ. Tuy nhiên, cách xử lý của ba mẹ như thế nào trước tình trạng đó mới quan trọng. Nếu xử lý đúng, trẻ sẽ dần ngoan hơn, hiểu chuyện hơn và cũng hạn chế được các cơn ăn vạ. Ngược lại, trẻ sẽ ăn vạ nhiều hơn, khó bảo hơn nếu như cách xử lý của ba mẹ là không phù hợp, không đúng. 

Hy vọng rằng, những thông tin về cách xử lý khi trẻ ăn vạ trên đây sẽ phần nào hữu ích cho ba trong quá trình chăm sóc và nuôi dạy con trẻ.

Chúc ba mẹ và bé luôn vui khỏe!

Leave a Reply