Quá trình bé tự chơi độc lập, tự mình khám phá các món đồ chơi, tự mình trải nghiệm các hoạt động chính là cơ hội tuyệt vời để phát triển bản thân, thúc đẩy khả năng sáng tạo và trí tưởng tượng. Còn mẹ sẽ có nhiều thời gian hơn để chăm sóc bản thân hay làm các công việc nhà…
Chơi tự lập mang lại nhiều lợi ích cho sự phát triển của bé
Chắc hẳn có rất nhiều mẹ từng than vãn về việc bé bám mẹ cả ngày. Hay mẹ chỉ cần đi cách xa một chút là bé đã khóc và đòi bế ngay. Tình trạng này đối với những mẹ bỉm ở nhà toàn thời gian cùng con như mình, không có ai hỗ trợ thì thực sự rất mệt mỏi. Mọi việc chỉ có thể tranh thủ làm vào những lúc con ngủ. Tuy nhiên, nếu như mẹ tập cho bé được thói quen tự chơi thì mọi việc có thể khác. Có rất nhiều lợi ích từ việc bé chơi tự lập mà mình chắc chắn rằng sau khi đọc xong mẹ sẽ nhất định tập ngay thói quen này cho bé.
1. Những lợi ích tuyệt vời khi bé tự chơi (chơi tự lập)
Chơi tự lập hay để bé tự chơi là quá trình bé chơi riêng lẻ một mình. Đây là một trong 6 giai đoạn của quá trình tham gia vui chơi, giúp trẻ khám phá được bản thân cũng như môi trường, thế giới xung quanh.
Việc rèn nếp tự chơi cho bé có ý nghĩa quan trọng trong việc phát huy trí tưởng tượng sáng tạo của trẻ. Đây cũng là hoạt động giúp rèn luyện sự tập trung và khả năng khám phá, quan sát cho trẻ. Cụ thể, lợi ích của việc bé chơi tự lập sẽ là:
Giúp bé phát triển được tính độc lập
Khi đã quen với việc tự chơi trong một khoảng thời gian nhất định, bé sẽ cảm thấy hài lòng, vui vẻ hoặc thích thú với việc đó. Bé sẽ không cần ba mẹ hay bất cứ ai ở bên cạnh mà sẽ tự do khám phá mọi thứ theo cách riêng của mình.
Khi bé tự chơi khả năng sáng tạo, trí tưởng tượng, thông minh được phát triển tối ưu hơn
Thông thường khi ba mẹ hoặc ai đó ngồi chơi cùng bé, có thể bé sẽ được mọi người hỗ trợ chỉ giúp về cách chơi, chơi cái gì… Tuy nhiên, khi có một mình, bé sẽ tự mày mò khám phá những món đồ chơi quanh mình. Quá trình “tự mình” chơi, tìm kiếm, khám phá sẽ giúp cho khả năng sáng tạo của bé được phát huy một cách hiệu quả. Chắc hẳn rất nhiều ba mẹ cũng đã từng tò mò không biết rằng bé con của mình đã làm gì cả mấy chục phút đồng hồ chỉ với một cái lược hay một cái thùng các tông. Rõ ràng, khi chơi độc lập, các bé sẽ có rất nhiều cách khám phá, trải nghiệm của riêng mình.
Bé rèn luyện được khả năng tập trung
Khi tự chơi độc lập, khả năng tập trung của bé cũng dần được rèn luyện một cách hiệu quả. Bé sẽ say mê khám phá những thứ ở xung quanh mình. Bé có toàn quyền quyết định nên chơi gì, chơi như thế nào mà không bị chi phối bởi người khác. Chỉ khi tập trung vào không gian chơi của riêng mình, bé mới có thể tự mình chơi trong vòng vài chục phút, thậm chí cả tiếng đồng hồ.
Tập cho bé tự chơi sẽ giúp bé vượt qua khủng hoảng xa cách một cách dễ dàng hơn
Vào khoảng tháng thứ 6,7 bé sẽ bước vào giai đoạn khủng hoảng xa cách. Bé sẽ nhận thức được việc xa cách mẹ, xa cách người luôn bên cạnh bé. Đó là lý do rất nhiều mẹ nói rằng bé bám mẹ không rời, chỉ cần đi xa bé một chút là bé khóc, đòi mẹ bế, làm việc gì cũng rất khó khăn.
Nhưng nếu mẹ tập được cho bé tự chơi thì quãng thời gian khủng hoảng này sẽ nhẹ nhàng hơn nhiều. Bé có thể tự chơi một mình trong một khoảng thời gian nhất định. Việc này cũng hạn chế được tình trạng bám mẹ, giúp mẹ có thể sắp xếp được thời gian cho các công việc khác.
Đặc biệt, sau này khi bé đã đi học nhà trẻ, việc đi học của bé sẽ dễ dàng hơn. Bé sẽ nhận thức được rằng việc xa ba mẹ chỉ diễn ra trong một khoảng thời gian nhất đinh. Ba mẹ vẫn ở gần bên mình thôi và sẽ quay lại với bé.
Bé học được cách tự giải quyết vấn đề
Khi tự chơi đồng nghĩa với việc bé phải tự suy nghĩ và tìm cách giải quyết các vấn đề phát sinh. Ví dụ như cách lắp đồ chơi, xếp như thế nào… mà không có sự giúp đỡ của ai. Quá trình tự tìm hiểu, giải quyết đó cũng góp phần thúc đẩy tư duy bé phát triển tối ưu hơn.
Mẹ sẽ có nhiều thời gian để làm các công việc khác khi bé tự chơi
Đây là một lợi ích tuyệt vời của việc tập cho bé độc lập. Mẹ sẽ có nhiều thời gian hơn để nghỉ ngơi, chăm sóc bản thân hay làm các công việc nhà.
2. Các bước thực hiện tập cho bé tự chơi
Với nhiều lợi ích như vậy thì việc tập cho bé chơi tự lập là rất cần thiết. Tuy nhiên, nên tập cho bé như thế nào?
Các bước tập cho bé tự chơi độc lập
Đầu tiên, mẹ hãy nhớ tạo môi trường chơi an toàn tuyệt đối cho bé
Đây là nguyên tắc bất di bất dịch để mẹ có thể hoàn toàn yên tâm để cho bé tự chơi một mình. Mẹ có thể để cho bé chơi trong cũi, trong phòng riêng, trên sàn nhà… Nhưng mẹ nên nhớ loại bỏ hoàn toàn các vật có thể gây nguy hiểm cho bé như ổ điện, dây điện, các vật sắc nhọn, các vật nhỏ dễ cho vào miệng,… Bên cạnh đó, hãy chắc chắn rằng mẹ có thể quan sát được bé khi chơi. Không gian chơi của bé ở trong tầm mắt của mẹ hoặc mẹ có thể theo dõi bé qua camera…
Tham khảo camera quan sát kết nối với điện thoại
Thứ hai, hãy luôn thông báo với bé trước khi mẹ rời đi
Khi chuẩn bị cho bé chơi tự lập, mẹ hãy luôn nói với bé về việc này. Chẳng hạn như “Con ngồi đây chơi nhé, mẹ ra ngoài phơi quần áo, 5 phút nữa mẹ sẽ quay lại với con”. Việc nói như vậy để bé có thể hiểu rằng đây là lúc mình phải tự chơi một mình mà không có mẹ ngồi bên. Lần đầu tiên có thể bé sẽ không chịu, nhưng sau nhiều lần như vậy, bé sẽ hiểu và dần hình thành thói quen này. Thật ra các bé luôn hiểu những gì chúng ta nói. Khi được thông báo trước, trong lúc chơi nếu có quay ra mà không thấy mẹ đâu, bé cũng sẽ không bị bất ngờ và lo sợ.
Thứ ba, luôn giữ lời hứa với bé
Nếu như mẹ đã nói với bé là 5 phút sau quay lại thì chắc chắn mẹ nên thực hiện đúng điều đó. Các bé nhỏ chắc chắn sẽ chưa biết 5 phút là bao lâu đâu. Nhưng các bé sẽ dần quen và ước chừng được khoảng thời gian đó. Và nếu như mẹ quay lại đúng thời gian đã nói thì bé sẽ hoàn toàn tin tưởng mẹ. Những lần bé tự chơi sau đó cũng dễ dàng hơn. Bé sẽ yên tâm rằng một lúc sau mẹ sẽ quay lại.
Để làm điều này, mẹ có thể cài giờ trên đồng hồ hay điện thoại để dễ dàng biết được thời gian. Tránh trường hợp mẹ quá bận việc mà quên mất lời hứa với con.
Thứ tư, mẹ hãy tập dần dần và tăng dần khoảng cách giữa mẹ và bé
Ban đầu khi mới tập cho bé tự chơi, mẹ nên bắt đầu với một khoảng cách gần để bé ngẩng mặt lên là có thể thấy mẹ ngay. Ví dụ như bé ngồi trong cũi chơi, mẹ ngồi cách bé chừng 1,2m để làm các công việc của mình. Sau khi bé đã hơi quen với việc chơi tự lập, mẹ có thể lùi ra với khoảng cách xa hơn và sau dần là rời khỏi phòng của bé… Hãy để bé có thời gian để thích nghi dần với việc xa mẹ và tự chơi.
Thứ năm, mẹ nên chọn đồ chơi phù hợp với số lượng vừa phải
Tùy vào độ tuổi của bé để mẹ chọn món đồ chơi phù hợp. Với các bé nhỏ 3-5 tháng có thể là đồ chơi treo cũi bằng gỗ bằng vải nhiều màu sắc để bé có thể chạm tay, với tay chơi. Với các bé đã biết ngồi, biết bò mẹ có thể cho bé chơi với bóng, sách vải… Với các bé lớn hơn mẹ có thể chọn đồ chơi giúp bé khám phá, phát triển kỹ năng vận động tinh cũng như kích thích khả năng sáng tạo, tư duy…
Tham khảo đồ chơi giáo dục Montessori cho bé
Bên cạnh đó, số lượng đồ chơi phù hợp khi bé tự chơi là khoảng 3-5 món. Việc ít đồ chơi sẽ giúp bé mày mò, khám phá được nhiều điều thú vị hơn ở mỗi món đồ chơi.
Một một lưu ý nhỏ cho mẹ đó là: Khi bé đang chơi mà khóc thì như thế nào? Mẹ nên quan sát ngay xem tại sao bé lại khóc. Nếu điều đó làm đau hay gây nguy hiểm cho bé thì nên chạy ngay vào để hỗ trợ bé. Ngược lại, nếu vấn đề đó xuất phát từ những nguyên nhân đơn giản như bé không lắp được đồ chơi, bé không biết ghép hình này như thế nào… Thì mẹ nên bình tĩnh đứng quan sát và cho bé thời gian để giải quyết.
Gợi ý cho mẹ: Mách mẹ 5 món đồ chơi cho bé 1 tuổi phát triển tư duy, kỹ năng vận động
3. Khi nào có thể bắt đầu tập cho bé tự chơi, thời gian chơi tự lập và gợi ý một số món đồ chơi ở từng giai đoạn
Giai đoạn 0-3 tháng tuổi
Thời gian này, mẹ có thể để bé nằm tự chơi một mình trên giường
Nhiều nghiên cứu cho rằng có thể tập cho bé chơi tự lập khi được 2,3 tháng tuổi. Tuy nhiên, ngay trong tháng đầu mẹ cũng có thể tập cho bé nếp tự lập. Nếp tự lập ở thời gian này đơn giản là việc mẹ không nên bế ẵm bé liên tục thường xuyên. Thay vào đó, hãy xen kẽ thời gian, để bé nằm trong nôi, trên giường, ba mẹ ngồi bên chuyện trò cùng bé.
Ở giai đoạn này thời gian để bé tự chơi có thể là từ 5-10 phút
Mình nhận thấy rằng, ở thời gian này có rất nhiều bé thích nằm chơi hơn là được bế. Đó là một điều kiện thuận lợi để mẹ rèn nếp tự chơi cho bé dễ dàng hơn. Nhiều mẹ vì quá cưng con mà luôn luôn bế ẵm và kết quả là cứ đặt xuống là bé khóc lóc, không chịu nằm.
Các món đồ chơi phù hợp cho bé ở độ tuổi này tự nằm chơi gồm: đồ chơi treo nôi cũi, lục lạc xúc xắc tạo ra âm thanh, tranh ảnh màu sắc tương phản đen-trắng, đỏ-đen, cho bé nghe nhạc….
Tham khảo đồ chơi treo nôi cũi cho bé
Giai đoạn 3-6 tháng
Đây là giai đoạn bé đã biết lẫy, trườn, tập bò. Lúc này mẹ nên thiết kế một không gian chơi an toàn để bé thoải mái vận động.
Thời gian tự chơi cho bé giai đoạn này trong khoảng 15-20 phút.
Các món đồ chơi cho bé tự chơi có thể là giá treo đồ chơi, sách vải, đồ chơi hình thú mềm bóp kêu, thú bông mềm, quả bóng,…
Giai đoạn 6-12 tháng
Lúc này bé đã bò tốt, có thể vịn vào thành giường, ghế để đứng lên. Nhiều bé có thể bước đi được rồi. Vậy nên mẹ nên cho bé tự chơi trong cũi là tốt nhất. Hoặc chơi trên sàn nhà và sử dụng các tấm quây cũi để tạo không gian chơi an toàn cho bé.
Thời gian chơi cho bé trong khoảng 30-40 phút.
Đồ chơi phù hợp cho bé độ tuổi này là quả bóng, sách, thú bông, bảng bận rộn, hộp bí mật…
Gợi ý cho mẹ:
7 món đồ chơi cho bé 6 tháng đến 1 tuổi. Lợi ích và cách chơi cho từng món đồ chơi
Trẻ 6 tháng tuổi biết làm gì? Gợi ý các hoạt động cho trẻ độ tuổi này
Giai đoạn trên 1 tuổi
Ở độ tuổi này bé đã biết đi thành thạo. Mẹ có thể để bé tự chơi trên sàn nhà, trong phòng riêng của bé. Thời gian chơi cũng kéo dài hơn lên 50 phút đến 1 tiếng đồng hồ.
Đồ chơi cho bé giai đoạn này đa dạng hơn và nên tập trung vào việc phát triển các kỹ năng vận động tinh, tư duy và não bộ bé. Ví dụ như đồ chơi xếp hình bằng gỗ, xếp hình khối, bộ lego, sách tô màu, sách lật mở tương tác…
Nhìn chung, tùy từng bé mà khoảng thời gian chơi tự lập sẽ khác nhau. Và càng lớn thì thời gian bé có thể tự chơi một mình được sẽ càng kéo dài hơn. Ngoài ra mẹ cũng nên thiết lập khung thời gian chơi tự lập xen kẽ cho bé. Ví dụ buổi sáng chơi khoảng 30 phút, buổi chiều 30 phút. Không nên dồn hết vào 1 buổi sẽ khiến bé dễ bị chán và không hứng thú khi chơi.
——–
Bé tự chơi, một việc đơn giản nhưng mang lại rất nhiều lợi ích cho cả mẹ và bé. Khi thiết lập được thói quen tự chơi cho bé, bé sẽ không gian chơi vui vẻ, sáng tạo theo cách của bé. Còn mẹ sẽ không còn mệt nhọc với tình trạng bé bám mẹ cả ngày, không phải stress vì con lẽo đẽo theo sau không làm được việc gì…. Rõ ràng là một công đôi việc, mẹ khỏe con vui. Vậy nên chẳng có lý do gì để mẹ không tập cho bé chơi tự lập cả.
Chúc mẹ, bé tập chơi tự lập thành công và có khoảng thời gian vui vẻ tại nhà!