7 Cách Kiềm Chế Cơn Giận Với Con Khi Ở Nhà

Cũng như rất nhiều mẹ bỉm sữa, không ít lần mình tìm hiểu về cách kiềm chế cơn giận với con. Trước đây, trong một ngày sẽ có vài lần mình gặp phải những tình huống, những câu chuyện như thế này:

– Bịch, loẹt xoẹt loẹt xoẹt…

Lần thứ n trong ngày, những quyển sách được con gái mình lôi ra khỏi giá sách và vứt lộn xộn trên nền nhà. 

– Trời ơi, con đừng vứt sách ra nữa, con dọn hết sách vào đi, mẹ mệt lắm rồi.

– Mun, không được ném sách nữa, con ném nữa mẹ sẽ cất hết sách của con đi đấy.

-… 

Liên tục một thời gian như thế, con cứ tiếp tục ném sách, lôi sách, mẹ tiếp tục bực bội, giận dữ và ra lệnh. Mẹ càng nói, càng ra lệnh con càng ném, càng lôi.

Thế nhưng, đó chỉ là một trong rất nhiều câu chuyện của trước đây. Còn bây giờ thì sẽ là thế này:

– Ơ Mun ơi, sao quyển sách lại ra đây thế nhỉ, bạn sách hỏng hết rồi.

– Hai mẹ con mình cùng dọn sách nào.

– …

Mọi chuyện đã trở nên dễ dàng. Mẹ cũng kiềm chế hơn, không ra lệnh, không yêu cầu, thay vào đó là nhẹ nhàng nhắc nhở giải thích và hành động cùng con. Con có vẻ bình tĩnh hơn, nghe lời hơn và dần dần biết hợp tác cùng mẹ. 

Thực sự cuộc sống bỉm sữa không hề đơn giản chút nào. Với một người mẹ chăm con tại nhà toàn thời gian lại càng nhiều áp lực hơn. Sự hiếu động, tò mò của con có thể mang đến vô vàn lần bực bội cho mẹ. Và khi đó việc mẹ kiểm soát được cảm xúc, kiểm soát được cơn giận dỗi là điều cực kỳ cần thiết. Việc này không phải là điều dễ dàng. Tuy nhiên, mình đã làm được và thực hiện được, vậy nên mình tin rằng tất cả các mẹ, với tình thương yêu con chắc chắn sẽ làm được. 

Và một vài cách giúp mình kiềm chế cơn giận, kiềm chế cảm xúc để những mâu thuẫn, những tranh luận, những bực bỗi giận dỗi… giữa mẹ và con không còn xảy ra đó là:

Các cách kiềm chế cơn giận với con trẻ dành cho mẹ

Cách giúp kiểm chế cơn nóng giận với con

1. Tìm hiểu và luôn ghi nhớ những hậu quả nghiêm trọng của việc nóng giận, quát mắng, ra lệnh con

Cách kiềm chế cơn giận đầu tiên đó là mẹ hãy luôn luôn ghi nhớ điều gì xảy ra nếu con nếu mình thường xuyên giận dữ, la mắng, ra lệnh cho con. 

Nhiều mẹ cứ nói rằng: nó lì lắm, phải quát mắng mới chịu nghe, chịu làm. Hay: trẻ con chiều quá sinh hư, thương cho roi cho vọt… Thế nhưng, đằng sau những lời quát mắng, ra lệnh, sự nóng giận của mẹ, các con sẽ như thế nào?

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra những tác hại rất lớn khi bé thường xuyên bị quát mắng hay chứng kiến sự giận dữ của ba mẹ:

Ảnh hưởng đến sự phát triển của não bộ

Thường xuyên đối diện với sự nóng giận, bực tức, la mắng của ba mẹ sẽ gây tổn thương đến não bộ bé. Đặc biệt, điều này có ảnh hưởng lớn đến vùng xử lý âm thanh và ngôn ngữ. Từ đó, bé sẽ chậm phát triển tư duy và nghiêm trọng hơn là bị trầm cảm. 

Bé dễ nổi nóng, gắt gỏng, bạo lực

Con cái là tấm gương phản chiếu của ba mẹ. Thực sự câu nói đó cũng đúng phần nào, nhất là trong vấn đề này. Khi ba mẹ tức giận, la mắng bé quá nhiều, không những bé không nghe lời mà còn trở nên chống đối, lầm lì và hay gắt gỏng, quát mắng. 

Trẻ dần trở nên tự ti và nhút nhát

Việc bị la mắng nhiều sẽ khiến bé luôn tin rằng những việc mình làm luôn sai. Lâu dần sẽ trở nên tự ti, rụt rè, là một đứa bé không có chính kiến hay không dám đưa ra quan điểm của bản thân. 

Việc luôn luôn ghi nhớ những tác hại này sẽ là cách kiềm soát cơn giận khá hiệu quả. Những lúc con nghịch ngợm, làm hỏng đồ hay làm trái ý, chuẩn bị nặng lời chỉ cần nghĩ con sẽ buồn, sẽ gắt gỏng như mình thì sao…. Và tự nhiên, sự giận dỗi trong mẹ sẽ nguôi được phần nào.

Vậy nên, mẹ nhớ nhé, hãy luôn nhớ con sẽ như thế nào nếu mình luôn giận dữ, mắng mỏ, nặng lời.

Đọc thêm: Câu chuyện con ếch và bài học về sức mạnh của lời nói với con trẻ

2. Hãy nhìn con và hít thở thật sâu, cách kiềm chế cơn giận “nhỏ nhưng có võ”

Thực ra đây là cách mà mình kiểm soát được cảm xúc trong mọi tình huống, hoàn cảnh. Ví dụ như đi phỏng vấn xin việc, phát biểu trước đám đông…Chỉ khác là khi đó mình sẽ nhìn thẳng vào mắt người đối diện, còn bây giờ sẽ nhìn vào con.

Lợi ích của việc nhìn nhận con và hít thở sâu đó là: 

– Biết được cảm xúc của con ra sao và quan sát thái độ của con khi đó.

– Là cách giúp bản thân mẹ bình tĩnh hơn và có thêm khoảng thời gian để nhìn nhận về sự việc.

Mẹ thử tượng tượng xem khi con làm đánh rơi một chiếc cốc. Khi đó, nhìn vào con sẽ thấy trước mặt mẹ, gương mặt non nớt của con đã mang một cảm xúc sợ hãi và lo lắng về việc mình làm lắm rồi. Khi đó, nếu mẹ mắng mỏ, giận dữ với con thì chẳng khác nào dầu đổ vào lửa. Con sẽ càng sợ hãi hơn, lo lắng và thu mình. Thay vào đó, mình sẽ hít thở thật sâu và…

Hít thở sâu là cách kiềm chế cơn giận hiệu quả cho mẹ

Đừng quên hít thở sâu để cơn giận của mẹ mau chóng tiêu tan 

3. Đọc một câu thần chú của riêng mình kết hợp áp dụng phương pháp trị liệu Jin Shin Jyutsu

Mình nghĩ mẹ nên chuẩn bị riêng cho mình một câu thần chú và tự nhủ với bản thân trước những hành động hay lỗi lầm của con. Ví dụ như bản thân mình, sau khi hít thở sâu mình sẽ luôn tự nhắc nhở với bản thân “Bình tĩnh, bình tĩnh”. Đọc một vài lần như thế kết hợp với việc thực hiện phương pháp Jin Shin Jyutsu là cách kiềm chế cơn giận mình cảm thấy khá hữu hiệu. 

Jin Shin Jyutsu là một phương pháp trị liệu cổ truyền của người Nhật. Nguyên tắc của phương pháp này đó xoa bóp các ngón tay để chữa lành cơ thể bên trong cũng như cải thiện tinh thần. Theo đó, mỗi ngón tay sẽ tương ứng với một cảm xúc của con người. Ngón tay cái tương ứng với cảm xúc lo lắng, căng thẳng. Ngón tay trỏ tương ứng với sợ hãi. Ngón tay giữa tương ứng với tức giận. Ngón tay áp út tương ứng với buồn bã và ngón tay út tương ứng với tự ti. 

Có thể nhiều người sẽ không tin điều này, tuy nhiên chỉ cần trong thâm tâm của ba mẹ suy nghĩ việc này là hiệu quả thì sự tức giận, lo lắng hay sợ hãi cũng phần nào giảm bớt. Hơn nữa, thời gian để ba mẹ đọc “thần chú” của bản thân và xoa bóp, giữ chặt ngón tay cũng là khoảng thời gian để ba mẹ phần nào tĩnh tâm lại hơn chút để suy nghĩ, để nhìn nhận và nên làm gì tiếp theo.

4. Đối với một số việc, một số hành động của bé, hãy đừng quá quan tâm, sát sao quá mức

Với các bé nhỏ, đôi khi bé nghịch cái này, phá phách cái kia cũng là một cách để gây sự chú ý của người lớn. Vậy nên, trong một số trường hợp, mẹ nên thể hiện thái độ và quan điểm bình thường, đừng quá sốt sắng. 

Chẳng hạn khi thấy bé cầm đồ chơi ném bừa bộn khắp nhà. Khi đó:

Mẹ nên: Nhẹ nhàng cầm chiếc hộp hay chiếc rổ ra và nói: “Mun ném vào rổ/thùng này, con ném ra ngoài chân giẫm phải sẽ ngã đau đấy”. Sau đó mẹ có thể tiếp tục làm công việc của mình (nếu đang bận) hoặc nếu có thể thì hãy cùng còn ném vào rổ/thùng luôn cũng được. Biến một hành động của con thành một trò chơi nho nhỏ là cách rất hay để giải tỏa sự giận dữ của mẹ và mang đến sự thoải mái vui vẻ cho con.

Không nên: Vội vã chạy đến và lớn tiếng yêu cầu bé không được ném đồ chơi. Hoặc mẹ vội vàng nhặt đổ chơi vào thùng để nhà cửa không bừa bộn. Những hành động của mẹ có thể khiến bé nghĩ rằng: à, ném đồ chơi sẽ khiến mẹ ra với mình, quan tâm đến mình… Và kết quả là mẹ càng nói, càng nhặt thì bé sẽ càng ném.

Mình nhận ra, sự tức giận một phần cũng bắt nguồn từ chính thái độ, suy nghĩ và cư xử của người lớn. Thay đổi một chút sẽ thấy mọi chuyện trở nên dễ chịu và đơn giản hơn rất nhiều. Thay đổi bản thân hay nói thô hơn là “mẹ lười hơn chút, để con tự bay” cũng là cách kiềm chế cơn giận hữu ích cho mẹ.

5. Nói chuyện và đưa ra một số quy tắc nhất định trong nhà

Trải qua rất nhiều tình huống, nhiều câu chuyện thì nguyên tắc của mình đó là không nói nhiều với con trong khi đang nóng giận. Thay vào đó, hãy đợi mọi chuyện ổn thỏa, mẹ và con đều bình tĩnh, lúc đó mẹ sẽ nhẹ nhàng nói chuyện với con. Nếu con có khóc thì đợi con khóc xong, tinh thần vui vẻ trở lại thì sẽ nói chuyện với con về chuyện vừa xảy ra. Lựa chọn thời điểm thích hợp để sẽ giúp cho cuộc nói chuyện giữa hai mẹ con hiệu quả hơn. Như đã nói, mình thường chọn lúc bé đã vui vẻ trở lại hoặc lúc trước khi đi ngủ, ôm bé và thủ thỉ dặn dò.

Ngoài ra, trong quá trình nói chuyện mẹ có thể khéo léo thỏa thuận với bé một số quy tắc như: không nghịch ổ điện vì đó là nơi rất nguy hiểm, cất bình nước lên bàn sau khi uống, bỏ đồ chơi vào hộp sau khi chơi… Tất nhiên những vấn đề như vậy không dễ dàng để bé nghe và thực hiện ngay. Tuy nhiên, nếu mẹ hãy kiên trì lặp lại vài lần, chắc chắn bé sẽ hiểu và làm theo.

Mẹ nên nói chuyện và đưa ra một số quy tắc cho con

Giúp bé hiểu về chuyện vừa xảy ra là cách kiềm chế cơn giận cho mẹ hiệu quả và lâu dài

6. Thu dọn hoặc để xa tầm tay của bé những đồ đạc có thể nguy hiểm cho bé

Một trong cách để mẹ hạn chế đối mặt với những cơn nóng giận khi chăm sóc con tại nhà đó là loại bỏ những nguồn cơn của nó. Cụ thể là thu dọn và để xa tầm mắt của bé những đồ đạc có thể gây nguy hiểm hoặc không phù hợp cho bé. 

Ví dụ như câu chuyện về chiếc sạc điện thoại.

Rất nhiều gia đình có thói quen cắm sạc điện thoại và để nguyên ổ cắm trên ổ điện khi đã sạc xong. Và khi trẻ chạm vào thì vội vàng quát mắng, ngăn cấm. Rồi khi con khóc lóc hay tiếp tục nghịch vào hôm sau thì tức giận rồi nói con hư, con nghịch không nghe lời. Nhưng sâu xa ra thì chẳng phải xuất phát từ việc người lớn không dọn dẹp gọn gàng sau khi sạc xong sao. 

Bản tính trẻ em rất tò mò và thích khám phá các ngõ ngách, các vật dụng trong nhà. Đó cũng là một cách giúp não bộ bé phát triển tối ưu hơn. Vậy nên thay vì cấm đoán hãy tạo một môi trường vui chơi an toàn và để bé tự do khám phá. Như vậy mẹ cũng không phải lo lắng con nghịch cái này, nghịch cái kia. Và đó cũng là cách để mẹ hạn chế được những cơn tức giận do bé nghịch ngợm hay làm trái ý ba mẹ nữa.

7. Dành thời gian nghỉ ngơi và ra ngoài nhiều hơn cũng là cách kiềm chế cơn giận hữu hiệu cho mẹ

Nóng giận, không kiềm chế được cảm xúc một phần cũng là do tinh thần của mẹ không được thoải mái hay đang mệt mỏi. Vậy nên, một trong những cách kiểm soát được các cơn nóng giận hiệu quả đó là hãy luôn để tinh thần được thoải mái. Bằng cách:

– Suy nghĩ tích hơn mỗi ngày. Việc mẹ luôn suy nghĩ tích cực, vui vẻ giống như một loại thuốc an thần vậy. Nó có thể khiến mọi khó khăn, mọi mâu thuẫn, mọi sự việc được nhìn nhận một cách dễ dàng hơn. 

– Dành thời gian nghỉ ngơi cho bản thân, chăm chút cho bản thân.

– Ra ngoài nhiều hơn, đi dạo bộ, đi chơi,… 

Khi tinh thần thoải mái, cơ thể khỏe mạnh và nhiều năng lượng thì mẹ sẽ thấu đáo hơn trong việc nhìn nhận con. Từ đó mẹ sẽ có những cách giải quyết, những hành động phù hợp, giúp con hạnh phúc và tự tin hơn. 

Dành thời gian nghỉ ngơi cho bản thân cũng là cách kiềm chế cơn giận hiệu quả

Khi tinh thần thoải mái, cơ thể khỏe mạnh, mọi chuyện sẽ đơn giản dễ dàng hơn

Kết luận

Nuôi con không phải cuộc chiến. Đúng vậy, sẽ không là cuộc chiến nếu như mẹ hiểu con và cân bằng được bản thân. Trong đó việc kiểm soát được những cảm xúc của mình khi đối diện với con là rất quan trọng.

Hy vọng rằng với một vài cách kiềm chế cơn giận mà mình chia sẻ trên đây sẽ phần nào giúp ích cho ba mẹ trong quá trình chăm sóc, nuôi dạy con. 

Và nếu có bí quyết nào phù hợp, ba mẹ đừng quên bình luận bên dưới để chia sẻ cùng các ba mẹ nhé. 

Chúc ba mẹ và bé sẽ luôn có những giờ phút bên nhau thật vui vẻ!

Leave a Reply