Cách Cho Bé Ăn Dặm Lần Đầu (Theo Từng Phương Pháp)

Xin chào, ngày hôm nay của ba mẹ thế nào?

Có thể ba mẹ đang có chút bối rối hay chút háo hức khi bé yêu chuẩn bị bước vào giai đoạn ăn dặm. Cách cho bé ăn dặm lần đầu như thế nào? Bắt đầu từ đâu? Hay chuẩn bị đồ dùng nào? Những vấn đề tưởng nhỏ nhưng lại có thể khiến ba mẹ phải đắn đo, cân nhắc và lựa chọn.

Mình còn nhớ, khi bắt đầu cho bé ăn dặm, mình đã phải tìm hiểu trước cả nửa tháng trời. Mày mò trên mạng, mua sách về đọc, hỏi kinh nghiệm của mọi người. Có nhiều vấn đề, nhất là đối với những mẹ chăm con lần đầu sẽ rất bỡ ngỡ.

Vậy nên, trong bài viết này hơn 3000 từ này, mình sẽ chia sẻ những vấn đề trọng tâm nhất khi mẹ bắt đầu cho bé ăn dặm. Bài viết hơi dài, tuy nhiên sẽ giúp ba mẹ nắm được các vấn đề sau: 

  • Thời điểm bắt đầu cho bé ăn dặm
  • Một số đồ dùng cơ bản cần chuẩn bị khi bắt đầu cho bé ăn dặm
  • Đặc biệt là Cách bắt đầu cho bé ăn dặm theo từng phương pháp (ăn dặm truyền thống, ăn dặm kiểu Nhật và ăn dặm tự chỉ huy). Những lưu ý quan trọng trong quá trình ăn dặm 
  • Gợi ý thực đơn ăn dặm theo từng phương pháp cho bé trong thời gian đầu

Bây giờ thì hãy cùng tìm hiểu nhé.

#1 Bắt đầu cho bé ăn dặm khi nào? Mẹ nên chuẩn bị đồ dùng ăn dặm nào cho bé?

Thời điểm tốt nhất và lý tưởng nhất để cho bé bắt đầu ăn dặm là khi bé được 6 tháng tuổi. Đây cũng là khuyến cáo của tổ chức Y tế thế giới (WHO) về vấn đề ăn dặm ở trẻ. 6 tháng tuổi, hệ tiêu hóa đã khá hoàn chỉnh để sẵn sàng cho việc hấp thụ các thực phẩm đặc hơn sữa mẹ. Đồng thời, đây cũng là thời điểm trẻ cần bổ sung thêm các thức ăn khác ngoài sữa mẹ nhằm đáp ứng với nhu cầu phát triển của cơ thể. 

Lưu ý: Việc cho bé ăn dặm quá sớm hoặc quá muộn đều không tốt cho hệ tiêu hóa cũng như sự phát triển của bé. 

Cho bé ăn dặm sớm hoặc muộn quá đều không tốt

Ăn dặm quá sớm hoặc quá muộn đều không tốt cho hệ tiêu hóa của bé (Nguồn:conlatatca.vn)

Trước khi cho bé ăn dặm, một số dụng cụ cơ bản mẹ cần chuẩn bị bao gồm:

Ghế ăn dặm. Tại sao lại cần một chiếc ghế ăn dặm cho bé?

  • An toàn cho bé hơn trong quá trình ăn. Việc bé ngồi ngay ngắn trên ghế sẽ hỗ trợ tốt hơn cho việc nuốt thức ăn, hạn chế tình trạng hóc, trào ngược,… 
  • Tạo thói quen và nề nếp ăn uống tốt cho bé sau này. Hạn chế việc vừa chạy nhảy vừa ăn hoặc bế rong,… 

Gợi ý cho mẹ: Review chi tiết ghế ăn dặm Umoo cho bé

Yếm ăn dặm. Với những bé ăn dặm lần đầu, việc sử dụng một chiếc yếm sẽ hạn chế việc dây thức ăn ra quần áo. Hỗ trợ mẹ rất nhiều trong việc vệ sinh cho bé sau ăn.

Bát đĩa, thìa ăn dặm. Một chiếc bát chất liệu nhựa, gỗ hay silicon sẽ phù hợp cho bé giai đoạn ăn dặm này. Bởi bé yêu có thể cầm nắm và ném những chiếc bát bất cứ khi nào.

Nồi chảo nhỏ nấu thức ăn. Lượng ăn dặm của bé thời gian đầu sẽ khá ít. Vì vậy việc chuẩn bị nồi chảo nhỏ sẽ giúp mẹ dễ dàng hơn khi nấu thức ăn. Cũng như thuận tiện hơn khi vệ sinh. 

Ngoài ra, mẹ cũng có thể cần chuẩn bị thêm một số dụng cụ khác như khay trữ thực phẩm, bình uống nước, rây lọc. 

Gợi ý cho mẹ: 5 Đồ Dùng Cho Bé Ăn Dặm Đúng Cách Nhất Định Mẹ Nên Chuẩn Bị

#2 Bắt đầu cho bé ăn dặm theo phương pháp ăn dặm truyền thống như thế nào?

Ăn dặm truyền thống là gì?

Đây là phương pháp ăn dặm quen thuộc, có từ lâu đời ở nước ta và được ông bà ta rất ưa chuộng. Với phương pháp ăn dặm này, các loại thực phẩm như thịt, cá, rau, củ sẽ được xay thật nhuyễn mịn sau đó trộn chung với bột hoặc cháo. Cách cho bé ăn dặm này được nhiều mẹ lựa chọn bởi cách thức chế biến đơn giản, nhanh chóng. Đồng thời chỉ trong một bát bột hoặc cháo được bổ sung đủ 4 nhóm dưỡng chất (tinh bột, đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất) giúp trẻ tăng cân nhanh. 

Cách cho bé ăn dặm lần đầu theo phương pháp truyền thống

Ăn dặm truyền thống thường bắt đầu với bột hoặc cháo xay mịn (Nguồn:vinamilk.com.vn)

Bắt đầu cho bé ăn dặm như thế nào? 

Khởi đầu quá trình ăn dặm, mẹ nên:

  • Bắt đầu với bột ngọt cho bé. Mẹ có thể mua các loại bột ngọt được chế biến sẵn (Hầu hết các cửa hàng mẹ và bé đều có). Hoặc mẹ có thể nghiền gạo để nấu bột cho bé ăn. Ban đầu nên nấu loãng vừa phải, không quá đặc để bé có thể dễ dàng nuốt hơn. Mẹ cũng có thể cho bé ăn cháo, nhưng hãy nghiền qua rây để có được hỗn hợp mịn hơn cho bé ăn. 
  • Cho bé ăn với một lượng ít. 1 thìa bột cho vài ngày đầu tiên sau đó tăng dần chút một để bé dần quen với việc ăn dặm.
  • Số lượng bữa ăn tháng đầu: 1 bữa/1 ngày
  • Thời gian bữa ăn: không quá 30 phút
  • Không thêm các loại gia vị vào món ăn của bé. Để tăng hương vị mẹ có thể nấu bột cùng nước dùng rau củ, giúp bột có vị ngọt tự nhiên hơn.
  • Sau 3 – 5 ngày ăn bột gạo, mẹ có thể bắt đầu nghiền các loại rau củ thật nhuyễn và trộn chung vào bột hoặc cháo cho bé. Sau tháng đầu ăn dặm, vào tháng thứ 2 mẹ có thể bắt đầu cho bé làm quen với bột hoặc cháo mặn. Bằng cách nghiền, xay nhuyễn thịt, cá,.. cùng các loại rau, sau đó cho vào nấu chung cùng với cháo, bột. 

Những lưu ý về cách cho bé ăn dặm lần đầu

Đây là giai đoạn bé tập làm quen với các loại thực phẩm và món ăn mới. Vì vậy:

  • Không nên ép bé ăn, thay vào đó hãy tôn trọng nhu cầu của con. Mẹ nên nhớ rằng ở giai đoạn này, sữa vẫn là nguồn dinh dưỡng chính của trẻ. 
  • Lưu ý trong quá trình sơ chế thực phẩm, chọn thực phẩm tươi ngon, tránh tình trạng trẻ bị nhiễm khuẩn.
  • Trong tháng đầu ăn dặm, nhiều mẹ sử dụng nước hầm xương, nước luộc gà để nấu cùng bột hoặc cháo. Tuy nhiên, việc nấu cùng các loại nước trên chỉ nên thực hiện vài lần. Bởi thời gian này, hệ tiêu hóa của bé cần có thời gian làm quen. Việc sử dụng quá nhiều các loại nước hầm xương thịt dễ gây tình trạng khó tiêu cho bé.

Thực đơn ăn dặm truyền thống cho bé mới bắt đầu

Bột gạo loãng

Nguyên liệu: bột gạo, nước

Thực hiện: Mẹ khuấy bột cùng với nước cho tan đều và nấu sôi đến khi bột sánh lại là được. (Mẹ tự ước lượng tỷ lệ cho phù hợp để bột không quá đặc nhé)

Cháo rây

Nguyên liệu: Cháo nấu tỷ lệ 1:10 (1 gạo, 10 nước)

Thực hiện: Sau khi nấu được cháo, mẹ dùng rây lọc, nghiền nát cháo trên rây để thu được hỗn hợp cháo nhỏ và mịn hơn cho bé ăn.

Bột khoai lang

Nguyên liệu: Bột gạo, khoai lang hấp chín nghiền nhuyễn

Thực hiện: Hòa bột gạo cùng nước . Sau đó, mẹ cho khoai lang đã nghiền nhuyễn vào đánh tan đều và nấu sôi khi bột sánh lại là được.

Cháo bí đỏ

Nguyên liệu: bí đỏ, gạo

Thực hiện: Bí đỏ rửa sạch sau đó thái hạt lựu. Cho gạo và bí vào nồi ninh thật nhừ. Đợi cháo chín và bớt nóng, mẹ mang xay hoặc nghiền qua rây cho mịn. Cuối cùng cho thêm thìa nhỏ dầu ăn. 

Tương tự như vậy, mẹ có thể thay thế các loại thực phẩm để các bữa ăn của bé đa dạng hơn. Ví dụ như kết hợp bột/cháo cùng với cà rốt, cải bó xôi, rau ngót,…. 

#3 Cách cho bé ăn dặm lần đầu theo phương pháp ăn dặm kiểu Nhật

Ăn dặm kiểu Nhật là gì?

Đây là phương pháp ăn dặm nổi tiếng của người Nhật. Trong cách ăn dặm này, các món ăn sẽ được chế biến tách biệt nhau và bày trong từng bát riêng biệt. Với mục đích giúp trẻ cảm nhận rõ hơn hương vị nguyên bản của từng loại thực phẩm. Đồng thời kích thích trẻ ăn ngon miệng, tiêu hóa tốt hơn. 

Mẹ có thể tìm hiểu rõ hơn về phương pháp này trong cuốn sách “Ăn dặm kiểu Nhật” của tiến sĩ Tsutsumi Chiharu, Trưởng khoa dinh dưỡng của Viện nghiên cứu về trẻ em và gia đình Nhật Bản. Cuốn sách đề cập rất chi tiết về phương pháp này. Từng giai đoạn, cách ăn, cách chế biến, gợi ý thực đơn,…

Bắt đầu cho bé ăn dặm với bữa ăn dặm kiểu Nhật

Bữa ăn của bé theo phương pháp ăn dặm kiểu Nhật (Nguồn: meta.vn)

Bắt đầu cho bé ăn như thế nào?

Ăn dặm kiểu Nhật được chia làm 4 giai đoạn, trong đó giai đoạn trẻ bắt đầu ăn dặm được coi là giai đoạn nuốt chửng. Vậy nên, ở thời gian này:

  • Thức ăn cần được nghiền nát để trẻ dễ nuốt hơn. Ở bước khởi đầu này, mẹ có thể thấy thực phẩm được nấu tương tự như ăn dặm truyền thống. Chỉ khác là các thực phẩm được để riêng biệt chứ không trộn lẫn vào nhau. 
  • Bắt đầu với cháo nấu theo tỷ lệ 1:10 (1 gạo, 10 nước) hoặc 1:4 (1 cơm, 4 nước). Sau đó nghiền mịn qua rây lọc. Sau 3 ngày ăn cháo rây, khi trẻ đã quen dần, mẹ có thể đa dạng thực đơn cho bé với các loại rau củ nghiền. Hoặc bổ sung đạm cho bé từ đậu phụ, cá trắng. Các loại rau củ chỉ nên hấp hoặc luộc sau đó nghiền nhuyễn. Nhằm giữ nguyên vị ngọt tự nhiên và hạn chế tình trạng thất thoát chất dinh dưỡng.
  • Lượng ăn của trẻ lúc khởi đầu rất ít. Hãy bắt đầu cho trẻ với 1 thìa cháo rây trong ngày đầu, sau đó tăng dần chút một. 
  • Thời gian bữa ăn: tối đa 30 phút
  • Số lượng bữa ăn tháng đầu: 1 bữa/ 1 ngày. 
  • Với cách cho bé ăn dặm này, mẹ lưu ý không cho gia vị và tạo vị ngọt tự nhiên cho món ăn với nước dashi. (Một loại nước được nấu từ hỗn hợp rau củ. Mình sẽ có bài chia sẻ về cách nấu nước dashi. Mẹ nhớ theo dõi nhé)

Một vài lưu ý khi cho bé ăn dặm

  • Tuân thủ nguyên tắc dị ứng: cho bé ăn một loại thực phẩm trong vòng 3 ngày. Sau đó tiếp tục đa dạng thực đơn với các loại thực phẩm khác. 
  • Lượng ăn của trẻ ở giai đoạn này ít vì vậy chưa cần lo lắng đến việc cân bằng dinh dưỡng. Thay vào đó, mẹ hãy cố gắng lên thực đơn phong phú để trẻ hứng thú hơn với bữa ăn.

Một số mẹo chuẩn bị thức ăn cho bé

Do thời gian đầu, lượng ăn của bé thường rất ít. Vậy nên để tiết kiệm thời gian cho việc chế biến thức ăn cho bé, mẹ có thể học tập một số mẹo chuẩn bị thức ăn sau:

  • Nấu cháo nhanh với nồi cơm điện. Mẹ có thể cho gạo nước theo tỷ lệ mình chia sẻ ở trên vào trong một cốc thủy tinh hoặc bát sứ (có nắp đậy). Sau đó đặt vào nồi nấu cơm của gia đình. Cơm chín thì cháo của bé cũng xong. Tiết kiệm được rất nhiều thời gian nấu nướng cho mẹ. 
  • Trữ thực phẩm đã chế biến trong ngăn đá. Mẹ có thể chuẩn bị những khay đựng thức ăn trữ đông thực phẩm ăn dặm cho bé. Tiếp đó vào mỗi ngày cuối tuần, mẹ hãy chuẩn bị các loại thực phẩm nhiều hơn. Chế biến và nghiền nhuyễn sau đó cho vào từng ngăn nhỏ của khay đựng. Cả với nước dashi cũng vậy. Nấu nhiều một lần và cho vào từng ô nhỏ của khay. Sau đó mang trữ đông. Mỗi lần ăn, mẹ chỉ cần lấy 1 đến 2 viên thực phẩm (tùy lượng ăn của bé), rã đông trong lò vi sóng hoặc hấp lên. Như vậy là đã có  món ăn cho bé mà không mất quá nhiều thời gian chuẩn bị. 

Tuy nhiên, mẹ lưu ý là không trữ thực phẩm quá lâu, khoảng 3 – 4 ngày là phù hợp. 

Trữ thực phẩm giúp mẹ chế biến thức ăn nhanh hơn

Khi cho bé ăn dặm kiểu Nhật mẹ nên học cách trữ thực phẩm (Nguồn: mamamy.vn)

Thực đơn ăn dặm cho bé mới bắt đầu

3 ngày đầu: cháo rây 1:10

Thực đơn 1: cháo rây + cà rốt nghiền

Thực đơn 2: cháo rây + khoai lang nghiền

Thực đơn 3: cháo rây + bí đỏ nghiền + đậu phụ nghiền

Thực đơn 4: cháo rây + súp lơ nghiền + lòng đỏ trứng gà nghiền

Thực đơn 5: Cháo bánh mì + đậu phụ nghiền

Thực đơn 6: Khoai tây nghiền + cải thảo nghiền

Thực đơn 7: Cháo đậu phụ + cà chua nghiền

Thực đơn 8: Mỳ somen nghiền + cải bó xôi nghiền

Thực đơn 9: Mỳ udon nghiền + bí đỏ nghiền

Thực đơn 10: Cháo rây + Cải bó xôi đậu phụ nghiền

#4 Bắt đầu cho bé ăn dặm theo phương pháp ăn dặm tự chỉ huy (BLW)

Ăn dặm tự chỉ huy là gì?

Ăn dặm tự chỉ huy (Baby Led Weaning – BLW) là phương pháp ăn dặm do bé tự quyết định. Phương pháp này cho phép bé dẫn dắt toàn bộ quá trình, bằng cách bé vận dụng bản năng và khả năng của mình. Bé quyết định thời điểm bắt đầu và kết thúc quá trình ăn dặm. Nghĩa là, bé sẽ được ăn thô từ những ngày đầu tiên, không bột, không cháo. Bé sẽ sử dụng chính đôi tay của mình để bốc thức ăn cho vào miệng. Bé sự tự được lựa chọn đồ ăn và ăn theo nhu cầu.

Có thể mẹ cần: Ăn dặm tự chỉ huy là gì? Chia sẻ từ A đến Z phương pháp ăn dặm BLW cho mẹ 

Bắt đầu cho bé ăn dặm theo phương pháp BLW

BLW là cách cho bé ăn dặm được nhiều mẹ bỉm hiện đại lựa chọn (Nguồn: Pexel.com)

Bắt đầu cho bé ăn dặm như thế nào?

  • Thực phẩm cho những ngày ăn dặm đầu tiên sẽ là các loại rau củ quả được luộc hoặc hấp mềm. Mẹ ưu tiên chọn các loại rau củ như cà rốt, su su, bí xanh, súp lơ xanh. Sau một vài ngày, khi bé đã quen với việc ăn dặm, mẹ có thể đa dạng bữa ăn cho bé với các loại đạm từ thịt gà, thịt lợn hấp, lòng đỏ trứng rán. Các loại trái cây như chuối, thanh long, lê, táo hấp mềm,… Tinh bột từ bánh mì, ngô, khoai tây…
  • Cách chế biến thực phẩm: Các loại củ sẽ được cắt thành từng thanh dài chừng ngón tay, chiều rộng chừng 2 ngón tay. Sau đó mẹ sẽ luộc hoặc hấp mềm (hấp sẽ giữ được vị ngọt rau củ hơn). Mẹ dùng đũa xuyên qua được là ok nhé. Không nên hấp quá mềm, bởi như thế khi cầm lên trẻ sẽ dễ bóp nát.
  •  Mẹ bày thức ăn ra đĩa và hướng dẫn bé tự dùng tay để cầm thức ăn cho vào miệng.
  •  Những ngày đầu có thể bé sẽ lóng ngóng, chưa cho thức ăn vào miệng được. Hoặc bé có thể bóp nát miếng thức ăn. Tuy nhiên mẹ không nên sốt ruột, thay vào đó hãy làm mẫu cho bé và để bé tự xử lý với miếng thức ăn. 
  • Số lượng ăn: tùy vào nhu cầu và khả năng của bé.
  • Thời gian mỗi bữa ăn của bé tối đa là 30 phút.
  • Số bữa ăn: 1 bữa/1 ngày. Sau 1 tháng đầu ăn dặm, khi bé đã quen mẹ có thể tăng dần số bữa ăn cho bé.

Lưu ý gì khi bắt đầu cho bé ăn dặm BLW

Với cách cho bé ăn dặm này, mẹ cần chuẩn bị kỹ càng một số vấn đề:

  • Bắt buộc phải cho bé ngồi ngay ngắn trên ghế ăn dặm. Nếu bé ngồi chưa vững mẹ có thể chèn một chiếc gối sau lưng cho bé. Cũng có thể cho bé ngồi trên đùi mẹ nhưng lưng phải thẳng. 
  • Nắm rõ các kiến thức về hóc nghẹn và xử lý hóc nghẹn. Phân biệt được khi nào bé hóc, khi nào bé nôn ọe bình thường.
  • Nắm rõ về việc sơ chế và chế biến các loại thực phẩm sao cho phù hợp với bé. 
  • Không đút thức ăn cho bé. Hãy để bé tự cầm thức ăn cho vào miệng. 
  • Không rời mắt khỏi bé trong quá trình ăn. Mẹ hãy ngồi quan sát bé ăn, làm mẫu cho bé nếu cần thiết, nhưng nhớ không can thiệp vào bữa ăn của bé nhé.

Thực đơn ăn dặm tự chỉ huy lần đầu cho bé

Có thể nói so với hai phương pháp trên, với ăn dặm BLW việc chuẩn bị món ăn cho bé đơn giản và nhanh gọn hơn rất nhiều. Việc lên thực đơn hàng ngày cũng dễ dàng hơn. Dưới đây là gợi ý cho mẹ về thực đơn ăn dặm tự chỉ huy cho bé.

Thực đơn 1: Cà rốt, súp lơ hấp

Thực đơn 2: Su su hấp, thanh long

Thực đơn 3: Cà rốt, bí xanh hấp, chuối chín

Thực đơn 4: Súp lơ, củ cải hấp, chuối chín

Thực đơn 5: Su hào hấp, táo hấp

Thực đơn 6: Cà rốt, măng tây hấp, lườn gà hấp mềm

Thực đơn 7: Măng tây hấp, lòng đỏ trứng gà rán chín kỹ, chuối chín

Thực đơn 8: Bí đỏ hấp, lê hấp, thịt heo luộc/hấp mềm

Thực đơn 9: Bánh mì nướng hơi giòn, củ cải hấp, thanh long

Thực đơn 10: Su su hấp, dưa chuột hấp, xoài chín

Khởi đầu quá trình ăn dặm, hầu hết mẹ bỉm nào cũng cảm thấy bối rối và không biết bắt đầu từ đầu, như thế nào. Tuy nhiên, chỉ cần chịu khó tìm hiểu một chút cộng với quan sát bé. Kết hợp với mong muốn của bản thân, điều kiện gia đình để chọn được cách cho bé ăn dặm phù hợp. Từ đó trang bị những kiến thức phù hợp cho phương pháp đó, là mẹ có thể tự tin cùng bé bước vào hành trình ăn dặm đầy thú vị rồi.

Chúc mẹ thành công. Và nếu có gợi ý nào thú vị về việc bắt đầu cho bé ăn dặm, đừng quên bình luận dưới bài viết để chia sẻ cùng các ba mẹ nhé. 


Bạn có yêu thích bài viết này? Nếu có hãy theo dõi blog Ở nhà cùng con thường xuyên để có thể cập nhật những thông tin về chăm sóc mẹ và bé nhé.

Mình cảm ơn nhiều,

Leave a Reply