Ăn dặm tự chỉ huy là gì? Chia sẻ từ A đến Z cho mẹ

Ăn dặm tự chỉ huy là gì? Sau 1 năm “chinh chiến” cùng con, mình có thể tự tin trả lời khi được ai đó hỏi về phương pháp ăn dặm này. Và cũng tự tin để chia sẻ những kinh nghiệm về hành trình ăn dặm của con. Mình đã bắt đầu như thế nào, chuẩn bị ra sao, khó khăn gì? Vân vân và mây mây…

Mình đã trung thành với phương pháp ăn dặm tự chỉ huy ngay từ những ngày đầu bé ăn dặm? Hoàn toàn không nhé. Bé nhà mình ăn dặm khi được 5 tháng rưỡi và phương pháp mình lựa chọn lúc này là ăn dặm kiểu Nhật. Ở thời điểm đó thú thật mình chưa đủ dũng cảm để chọn phương pháp ăn dặm bé tự chỉ huy.

Thế nhưng, vào một ngày đẹp trời con bé nhà mình bỗng đình công với đồ ăn xay nhuyễn kiểu Nhật. Mình nhớ khi đó là ngày thứ 11 kể từ khi bắt đầu ăn dặm. Và sau mọi nỗ lực thay đổi thực đơn không thành, con bé  vẫn phớt lờ với đồ ăn mẹ nấu. Thay vào đó, nàng ta có vẻ hứng thú với việc được tự tay cầm đồ ăn. Trước tình hình đó, cộng với mong muốn về một em bé tự lập ăn uống luôn cháy bỏng, mình quyết định đèn sách học hỏi và cho bé ăn dặm theo phương pháp tự chỉ huy.

Và dưới đây chính là những gì mình đã tìm hiểu được trong suốt quá trình cho con ăn dặm theo phương pháp này. Hy vọng sẽ phần nào giúp ích được các mẹ bỉm sữa trong hành trình ăn dặm của con.

Cùng bắt đầu nào…

1. Ăn dặm tự chỉ huy là gì? Ba mẹ và bé cần chuẩn bị những gì?

1.1 Phương pháp ăn dặm bé chỉ huy (Baby Led Weaning – BLW) là gì? Ưu nhược điểm

Ăn dặm bé tự chỉ huy là gì?

Với các bà mẹ chăm con theo kiểu hiện đại thì đây chắc chắn không còn là khái niệm xa lạ. Theo cuốn sách “Phương pháp ăn dặm bé chỉ huy” của tác giả Gill Rapley và Tracey Murkett thì đây là phương pháp ăn dặm do bé quyết định.

“Phương pháp này cho phép bé dẫn dắt toàn bộ quá trình, bằng cách bé vận dụng bản năng và khả năng của mình. Bé quyết định thời điểm bắt đầu và kết thúc quá trình ăn dặm”

Không đút thìa, không xay nhuyễn. Bắt đầu quá trình ăn dặm, bé sẽ tự khám phá những miếng thức ăn bằng cách cầm tay và tự đưa vào miệng. Thật thú vị phải không nào. Mình còn nhớ con gái mình đã thích thú như thế nào khi được cầm một miếng cà rốt hay bắp ngô đưa vào miệng mút mút. 

Bé tự lập trong quá trình ăn uống với phương pháp ăn dặm tự chỉ huy

Bé thích thú khi được cầm miếng ngô để ăn

Ưu điểm

Đầu tiên phải kể đến đó là việc thúc đẩy sự phối hợp khéo léo giữa các ngón tay đặc biệt là ngón cái và ngón trỏ. Sự kết hợp nhanh nhạy giữa mắt và tay. Tiếp đó là thúc đẩy phát triển ngôn ngữ. Quá trình hoạt động liên tục của khớp hàm khi bé nhai sẽ hỗ trợ rất tốt cho việc học nói sau này của bé. Bên cạnh đó, việc được tự quyết định trong bữa ăn chắc chắn sẽ giúp bé hứng thú hơn với giờ ăn. Nhờ đó hạn chế tình trạng biếng ăn ở trẻ. 

Nhược điểm

Tuy vậy, phương pháp ăn dặm tự chỉ huy sẽ có những nhược điểm nhất định mà các mẹ cần lưu ý. Do không quá chú trọng đến chất và lượng thức ăn đưa vào cơ thể. Vậy nên một số bé ăn theo phương pháp này có thể sẽ nhỏ hơn so với các bé ăn theo phương pháp ăn dặm truyền thống. Thời gian đầu mẹ cũng sẽ khá vất vả khi phải dọn dẹp thức ăn mà bé làm vương vãi. Và hơn nữa phương pháp này cũng cần sự kiên trì rất lớn của mẹ. Cái cảm giác mọi thức ăn mình vừa nấu nướng xong được đứa con liệng hết xuống đất thật bực bội. Nhưng vì sự “nhàn hạ” trong ăn uống sau này, mẹ hãy cố gắng nhé. 

1.2 Cần chuẩn bị gì khi bé ăn dặm tự chỉ huy?

Dù lựa chọn phương pháp ăn dặm nào thì sự chuẩn bị kỹ càng luôn giúp mẹ có được thành công tốt hơn. Với ăn dặm tự chỉ huy, chúng mình sẽ cần chuẩn bị gì đây?

Đối với ba mẹ

Theo kinh nghiệm của mình, những kiến thức về phương pháp ăn dặm BLW ba mẹ cần phải nắm thật chắc. Mình học hỏi kiến thức về phương pháp này qua hai cuốn sách. “Phương pháp ăn dặm bé chỉ huy” và “Nuôi con không phải cuộc chiến”. Ngoài ra, mình có tham khảo các thực đơn cho bé trên group Ăn dặm bé chỉ huy BLW (FamiEdu). Mình học hỏi được rất nhiều món ăn cho bé từ các mẹ trên group này. Và một điều quan trọng đó là trong quá trình ăn dặm của con ba mẹ phải luôn nhớ câu thần chú “KIÊN TRÌ, KIÊN ĐỊNH, MẠNH MẼ” nhé. Bởi chắc chắn sẽ có những lúc ba mẹ sẽ vô cùng sốt ruột khi bé chả ăn được gì. Hoặc đôi khi là bóp nát, ném vứt thức ăn. Hay có những lúc hốt hoảng vì bé suýt bị hóc thức ăn. Rồi có những khi chán nản, áp lực vì những lời nói của những người xung quanh. 

Tài liệu tham khảo phương pháp ăn dặm tự chỉ huy

Ba mẹ hãy đọc sách kỹ để có thể sẵn sàng cho quá trình ăn dặm của bé (Nguồn: giasach.com)

Đối với bé

Hãy rèn luyện khả năng cầm nắm cho bé hằng ngày, với các đồ vật hay đồ chơi cho vào miệng. Chuẩn bị tinh thần cho bé bằng cách cho bé tham gia các bữa ăn cùng gia đình. Ngoài ra mẹ cũng có thể nói chuyện với bé về việc chuẩn bị ăn dặm. Đừng nghĩ bé không biết nhé. 

Đối với người thân

Ăn dặm kiểu BLW thực sự quá xa lạ và chắc chắn sẽ gặp phải sự phản đối của rất nhiều người, đặc biệt là ông bà bé. Ông bà sợ cháu ăn không đủ, sợ đau dạ dày, sợ hóc nghẹn,… Khi đó hãy nhẹ nhàng giải thích và thay đổi suy nghĩ của ông bà dần dần nhé. 

Dụng cụ ăn dặm

Với phương pháp ăn dặm tự chỉ huy, bố mẹ sẽ phải chuẩn bị cho bé một số vật dụng cơ bản. Đầu tiên là một chiếc ghế ăn dặm chắc chắn và phù hợp cho bé. Tốt nhất là một chiếc ghế có khay ăn tách rời để mẹ có thể vệ sinh dễ dàng hơn. Cá nhân mình sau khi tham khảo nhiều loại ghế đã chọn ghế ăn dặm umoo cho bé.

Xem thêm: Review chi tiết ghế ăn dặm umoo cho bé

Tiếp đó là những chiếc yếm hoặc áo yếm. Một trợ thủ đắc lực để mẹ không phải vất vả kỳ cọ vết bẩn thức ăn trên áo quần bé. Một chiếc khay hoặc đĩa đựng đồ ăn, tốt nhất là bằng nhựa, silicon hoặc gỗ. Bởi bé có thể hất khay thức ăn xuống đất bất cứ lúc nào. Một chiếc bình để uống nước. Cá nhân mình thì sử dụng ống hút cho bé từ lúc đầu luôn. Nguyên do là mình đặt hàng không kịp. Và trộm vía thay con bé thích nghi với việc sử dụng ống hút khá nhanh.

Dụng cụ ăn dặm BLW cho bé

Một chiếc ghế ăn dặm chắc chắn rất cần thiết cho phương pháp ăn dặm tự chỉ huy (Nguồn: websosanh.com)

2. Dấu hiệu bé sẵn sàng ăn dặm kiểu BLW

Khi nào có thể cho bé bắt đầu ăn dặm tự chỉ huy. Mẹ hãy lưu ý một vài dấu hiệu sau đây.

2.1 Bé được ít nhất 6 tháng tuổi

Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thời điểm thích hợp để cho trẻ ăn dặm là 6 tháng tuổi. Việc ăn dặm quá sớm hoặc quá muộn đều ảnh hưởng không tốt đến hệ tiêu hóa của trẻ. Đối với ăn dặm tự chỉ huy điều này càng quan trọng hơn. Khi bé bắt đầu một chế độ ăn thô cần đến một hệ tiêu hóa đã khá hoàn chỉnh cùng với các kỹ năng cần thiết. Chính vì vậy, nếu áp dụng phương pháp này mẹ không nên quá vội vàng nhé. Với BLW, bé sẽ là người quyết định, ngay cả thời điểm bắt đầu ăn dặm. Vậy nên, ba mẹ hãy quan sát các dấu hiệu sẵn sàng để giúp bé bước vào hành trình ăn dặm này tốt hơn.

2.2 Có thể ngồi vững hoặc chí ít giữ thẳng đầu

Một nguyên tắc quan trọng đối với ăn dặm BLW đó là luôn phải giữ tư thế thẳng lưng khi ăn. Vậy nên mẹ hãy cho bé ăn dặm khi bé có thể ngồi vững hoặc giữ thẳng đầu. 

2.3 Kỹ năng cầm nắm tốt, biết đưa đồ vật vào miệng

Nếu bé đã có kỹ năng cầm nắm tốt thì quá trình ăn dặm tự chỉ huy sẽ dễ dàng hơn đôi chút. Bé có thể cầm đồ ăn và cho vào miệng một cách tốt hơn rồi đúng không nào. 

Ăn dặm BLW giúp rèn luyện kỹ năng cầm nắm cho bé

Kỹ năng cầm nắm tốt giúp bé thuận lợi hơn trong quá trình ăn dặm

3. Nguyên tắc trong áp dụng phương pháp ăn dặm tự chỉ huy

Để đảm bảo sự thành công cũng như an toàn cho bé khi ăn dặm, ba mẹ cần nhớ rõ một vài nguyên tắc sau đây:

3.1 Luôn giữ tư thế ngồi thẳng lưng khi ăn

Một số tài liệu đề cập đến việc cho bé ngồi lòng khi ăn. Nhưng theo quan điểm của cá nhân mình thì hãy tập cho bé ngồi trên ghế ăn dặm ngay từ những ngày đầu. Thứ nhất là tập được thói quen ăn uống tốt cho bé. Thứ hai việc này có lẽ sẽ đảm bảo cho việc giữ thẳng lưng khi ăn tốt hơn. Nếu bé ngồi chưa vững mẹ có thể chèn thêm chiếc gối hoặc dụng cụ hỗ trợ khác cho phù hợp.

3.2 Không để bé một mình và luôn quan sát bé khi ăn

Đây là nguyên tắc bất di bất dịch mà ba mẹ cần phải nhớ. Việc ngồi và quan sát bé khi ăn rất quan trọng. Giúp ba mẹ đánh giá được mức độ ăn của bé. Hỗ trợ bé khi cần thiết hay là đảm bảo sự an toàn cho bé khi ăn.  

3.3 Chế biến thực phẩm an toàn và phù hợp với sự phát triển của bé

Tùy từng giai đoạn phát triển để mẹ có thể chế biến món ăn phù hợp cho bé. Trong các sách ăn dặm BLW cũng có chỉ rõ thức ăn dạng que chính là khởi đầu tốt nhất cho bé. Bên cạnh đó hãy bắt đầu bằng các loại rau củ được cắt bằng dao lượn sóng, được hấp hoặc luộc để giữ được hương vị tốt hơn. Đa dạng thực phẩm để bé không nhàm chán đồng thời cảm nhận được nhiều hương vị món ăn hơn. Điều này mình sẽ nói rõ hơn trong phần dưới. 

Chế biến món ăn phù hợp từng giai đoạn của ăn dặm tự chỉ huy

Chế biến món ăn phù hợp với từng giai đoạn ăn dặm của bé

3.4 Luôn tạo không khí lành mạnh trong bữa ăn

Ồ, nguyên tắc này khá quan trọng ba mẹ nhé. Ba mẹ thử nghĩ xem chúng ta sẽ thế nào nếu ăn cơm giữa những tiếng thúc giục, những khuôn mặt nhăn nhó,… Rồi vừa ăn vừa xem ti vi, vừa ăn vừa làm một việc gì đó. Đối với bé cũng vậy. Tốt nhất hãy tạo một không khí ăn uống lành mạnh. Hãy để bé tham gia vào bữa ăn cùng gia đình. Không ti vi hay một hoạt động nào khác. Thay vào đó là sự tập trung ăn uống, khen ngợi món ăn, cảm nhận hương vị món ăn. Ngoài ra hãy dành một khoảng thời gian nhất định nào đó, tầm 30-40 phút cho một bữa ăn. 

4. Thực phẩm trong từng giai đoạn ăn dặm bé tự chỉ huy

Như đã nói ở trên, trong phần này mình sẽ chia sẻ kỹ hơn về cách lựa chọn và chế biến thực đơn ăn dặm BLW. Đối với một em bé ăn dặm tự chỉ huy sẽ trải qua ba giai đoạn. Tương ứng với đó là sự phát triển của từng kỹ năng. Và ở mỗi giai đoạn đó, các loại thực phẩm cùng cần được lựa chọn và chế biến phù hợp. Điều này có ảnh hưởng khá lớn đến việc hoàn thiện kỹ năng và giúp bé ăn dặm một cách hiệu quả hơn. 

Chúng mình sẽ bắt đầu với giai đoạn đầu tiên này nhé….

4.1 Giai đoạn 1 – Học kỹ năng

Kỹ năng của bé

Đây là thời điểm bé bắt đầu ăn dặm. Các kỹ năng của bé còn chưa thành thục. Bé sẽ bốc thức ăn bằng cả bàn tay. Và đôi tay có thể còn vụng về sẽ dễ dàng bóp nát miếng thức ăn nếu chúng quá mềm. Hoặc miếng thức ăn có thể trơn tuột khỏi tay bé bất cứ lúc nào. Bé cũng sẽ vô tình đẩy mẩu thức ăn đi ra xa hơn tầm với. Rồi bé có thể cắn miếng thức ăn quá to và bị ọe ngay từ lần nuốt đầu tiên. Hệ tiêu hóa của bé lúc này cũng mới bắt đầu làm quen với nguồn thức ăn khác ngoài sữa. Mẹ sẽ bắt gặp hiện tượng bé “ăn gì ra nấy”….  Vậy để bé khắc phục được những vấn đề trên, mẹ cần lựa chọn và chế biến thức ăn thế nào đây?

Loại thực phẩm và cách chế biến

Đa dạng các loại thực phẩm để bé có thể làm quen với hương vị của nhiều món ăn. Tuy nhiên cần cẩn trọng với các thực phẩm dễ gây dị ứng. Các loại rau củ được hấp chín vừa phải, không quá mềm chính là lựa chọn thích hợp cho giai đoạn đầu ăn dặm. Ví dụ như cà rốt, đậu, súp lơ, bí xanh, củ cải,… Các loại trái cây như chuối, táo, xoài, thanh long,… Như đã nói các loại rau củ, trái cây nên được cắt bằng dao lượn sóng. Chiều dài khoảng 1 ngón tay sẽ giúp bé dễ dàng cầm nắm hơn. Mẹ cũng chú ý không nên luộc hoặc hấp quá mềm nhé. Bởi bé sẽ dễ dàng bóp nát chúng. Bánh mì cắt dài (có thể nướng hoặc áp chảo sơ cho miếng bánh cứng và dễ cầm hơn). Thịt lợn, thịt gà cắt mỏng, dọc thớ, hấp chính để bé có thể cầm và mút nước. Lòng đỏ trứng rán, cắt miếng vừa tay bé. 

Đến giai đoạn 2, bé đã phát triển như thế nào đây, và mẹ phải làm gì…

Hình dạng thức ăn giai đoạn đầu ăn dặm tự chỉ huy

Hình dạng thức ăn giai đoạn đầu ăn dặm

4.2 Giai đoạn 2 – Phát triển kỹ năng

Kỹ năng của bé

Bước vào giai đoạn này, bé sẽ phát triển kỹ năng bốc nhón và bắt đầu tập cầm thìa. Thay vì dùng cả bàn tay, ở giai đoạn này bé có thể bốc thức ăn bằng 3 ngón tay (ngón cái, trỏ và giữa). Tiếp đó là bốc bằng 2 ngón tay (ngón cái và trỏ). Khi việc bốc thức ăn bằng 2 ngón thành thạo nghĩa là bé đã hoàn thiện được kỹ năng bốc nhón. Và lúc này mẹ có thể giới thiệu thìa để bé tập làm quen dần. 

Việc của mẹ là chú ý quan sát để nhận biết dấu hiệu khi nào bé đã sẵn sàng cho một kỹ năng mới. Mình còn nhớ ở tháng thứ 8, nghĩa là sau hơn 1 tháng ăn dặm, bé nhà mình bắt đầu bước vào giai đoạn bốc nhón. Và lúc này bé trở nên hứng thú với những mẩu thức ăn nhỏ được thái vuông hình hạt lựu. Sang tháng thứ 9 mình bắt đầu cho bé làm quen với nĩa, thìa. 

Lựa chọn và chế biến thực phẩm

Ở giai đoạn này ba mẹ vẫn giữ vững tinh thần đa dạng thực phẩm khi chế biến món ăn cho con. Nên hạn chế với thực phẩm trái mùa và vẫn cẩn thận với những nhóm thực phẩm có nguy cơ dị ứng cao như trứng, tôm,… Về chế biến thực phẩm, mẹ nên chuyển dần thức ăn từ những thanh dài thành những miếng nhỏ và ngắn hơn. Thời gian này bé cũng có thể ăn được cơm rồi mẹ nhé. Theo hướng dẫn trong các cuốn sách về ăn dặm tự chỉ huy, đối với cơm mẹ có thể nắm thành viên tròn hoặc dài. Như vậy sẽ giúp bé dễ cầm nắm hơn. Để hạn chế tình trạng dính tay khiến bé khó chịu khi ăn, mẹ có thể sử dụng thêm một chút dầu oliu, óc chó, dầu mè,… 

Giai đoạn bốc nhón trong phương pháp ăn dặm tự chỉ huy

Khay thức ăn mình chuẩn bị cho bé trong giai đoạn bốc nhón

Tiếp đến giai đoạn 3, chỉ cần cố gắng chút thôi là mẹ và bé sẽ về đích thành công. Ở giai đoạn này, bé có những thay đổi như thế nào đây?

4.3 Giai đoạn 3 – Hoàn thiện kỹ năng trong phương pháp ăn dặm tự chỉ huy

Có thể mẹ sẽ ngạc nhiên với những thay đổi của bé ở giai đoạn này. Hoặc đôi lúc mẹ cũng sẽ đau đầu vì những hành vi “dở chứng” của bé. 

Kỹ năng và hành vi của bé

Ở giai đoạn này có rất nhiều bé đã sử dụng thìa thành thạo và bắt đầu “học đòi” ba mẹ dùng đũa. Hãy chiều theo sở thích của bé và để bé tự khám phá với đôi đũa. Mẹ có thể cho bé bắt đầu với các món thức ăn dài như mỳ, rau,… Nhiều bé sẽ không chịu ngồi ghế, ngồi một chút là đứng dậy, nhất là các bé mới biết đi. Và còn nhiều hành vi khác nữa mà ba mẹ có thể bắt gặp ở con của mình trong giai đoạn này. Ví dụ như bé thích đổ thức ăn từ bát này sang bát kia, ném thức ăn, bắt mẹ đút, ăn không tập trung. Bé chỉ ăn món mình thích, bé không nhai chỉ nuốt chửng,… 

Thực phẩm cho bé

Bước vào giai đoạn này các bé BLW hầu như ăn được rất nhiều loại thực phẩm. Vì vậy theo kinh nghiệm của mình thì sẽ cho bé ăn luôn thức ăn của người lớn. Chỉ có điều sẽ nêm gia vị nhạt hơn so với người lớn. Hoặc nấu xong múc riêng cho bé một bát rồi mới nêm gia vị. Mình nhận thấy ở giai đoạn này bé rất thích làm theo những gì người lớn làm. Vậy nên ba mẹ hãy là người làm gương cho bé trong ăn uống. Và một điều rất quan trọng đó là sự kiên trì. Kiên trì, thật kiên trì thì mới có thể đối phó được với những hành vi khó chịu của bé ở giai đoạn này. Có như thế mẹ và bé mới nhanh chóng tốt nghiệp quá trình ăn dặm bé tự chỉ huy.

Trên đây là những chia sẻ của mình về phương pháp ăn dặm tự chỉ huy, hy vọng sẽ bổ ích với ba mẹ. 

Hẹn gặp ba mẹ ở những chia sẻ sau nhé!

Leave a Reply