Viêm da cơ địa ở trẻ sơ sinh không còn xa lạ với các ba mẹ đang chăm sóc con nhỏ. Nhưng làm thế nào để việc điều trị và chăm sóc bé khi viêm da cơ địa xuất hiện trở nên “dễ thở” hơn? Trong bài viết dưới đây, mình sẽ chia sẻ một vài kinh nghiệm của chính bản thân mình.
Nhìn làn da mịn màng của con mình hiện tại, ít ai biết rằng hai mẹ con mình đã “chiến đấu” với viêm da cơ địa suốt 6 tháng trời. So với nhiều bé, mẹ con mình vẫn còn may mắn. Mình biết có rất nhiều bé bệnh kéo dài tới tận hơn 1 tuổi, thậm chí đến 3, 4 tuổi.
Thời gian nửa năm bé nhà mình gặp phải tình trạng này thực sự không dễ chịu chút nào. Nhìn gương mặt con đỏ au, tróc vảy rất tội nghiệp, nhất là vào những đợt bùng phát. Bé bị ngứa và liên tục lấy tay gãi, cào khiến da bị xước xát nhiều hơn. Rồi đến khi các vết tróc, mụn nước lan dần xuống cả ngực, bụng nữa.
Mình có đưa con đi thăm khám một vài cơ sở y tế và nhận được nhiều lời khuyên từ các bác sĩ. Nhanh thì vài tháng, chậm thì trên 1 tuổi và có thể lâu hơn 3 đến 4 tuổi. Những chẩn đoán như thế sau mỗi lần đi khám khiến mình càng thương và xót con hơn.
Theo chỉ dẫn của bác sĩ, chăm chỉ và kiên trì cùng con, dần dần tình trạng bệnh cũng được cải thiện. Và sau nửa năm, trước Tết nguyên đán gần một tháng, tình trạng viêm da của bé gần như đã được cải thiện hoàn toàn.
Vậy mình đã điều trị và chăm sóc cho bé như thế nào? Những chia sẻ dưới đây hy vọng sẽ phần nào có ích cho ba mẹ.
1. Tuân thủ đúng loại thuốc, hướng dẫn sử dụng của bác sĩ
Không chỉ với viêm da cơ địa ở trẻ sơ sinh mà với mọi bệnh lý khác thì đây là nguyên tắc chúng ta cần ghi nhớ.
Vào tháng đầu tiên bé nhà mình gặp tình trạng này, mình đã tự ý giảm thời gian sử dụng thuốc bôi trên da. Xuất phát từ một vài lời khuyên, cộng với việc thấy da bé đã bớt đỏ, bớt mụn hơn. Hậu quả là sau gần một tuần, tình trạng của bé bỗng nặng hơn. Các vết da đỏ lan rộng hơn, mụn nước mọc nhiều hơn. Mình đã phải cho bé đi tái khám và bắt đầu một liệu trình điều trị mới.
Vậy nên mình nghĩ đừng dại gì mà tự ý điều chỉnh những gì chúng ta chả có chuyên môn gì. Nhất là trong vấn đề sức khỏe của những mầm non này, những người làm ba mẹ như chúng ta cần phải cẩn trọng hơn.
2. Dưỡng ẩm – “mấu chốt” trong phòng bệnh viêm da cơ địa ở trẻ sơ sinh
Chắc ba mẹ cũng biết, một đặc điểm rõ nhất của trẻ bị viêm da cơ địa đó là làn da rất khô. Chính điều này khiến da của bé bị ngứa rất nhiều. Đây cũng là môi trường thuận lợi để tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng hơn. Vì vậy, dưỡng ẩm có thể coi là chìa khóa để cải thiện tình trạng bệnh hiệu quả.
Dưỡng ẩm giúp cải thiện tình trạng viêm da cơ địa ở trẻ hiệu quả hơn (Nguồn: vov.vn)
Ba mẹ cứ search google thì sẽ thấy dưỡng ẩm có vai trò quan trọng như thế nào trong điều trị viêm da cơ địa. Giảm khô, giảm viêm và giảm ngứa cho da. Giảm thời gian và tần suất sử dụng corticoid. Và tiếp nữa là duy trì cũng như giảm tình trạng bệnh tái phát.
Trong các lần đi khám bé, mình luôn được các bác sĩ khuyên chú ý việc dưỡng ẩm cho da bé. Và các sản phẩm dưỡng ẩm dành cho trẻ bị viêm da cơ địa là điều cần thiết trong điều trị tình trạng bệnh.
Bên cạnh đó, nếu bé nằm trong phòng điều hòa, da sẽ rất dễ bị khô. Da bé sẽ dễ bị ngứa và khó chịu. Vậy nên việc sử dụng một chiếc máy tạo ẩm sẽ giúp da bé được cấp ẩm tốt hơn.
Ba mẹ cũng lưu ý dưỡng ẩm ngay cả khi bé đã hết bị viêm da nhé. Làn da các em bé bị tình trạng này thường rất khô. Việc dưỡng ẩm thường xuyên sẽ giúp bảo vệ da tốt hơn, hạn chế bệnh tái phát.
XEM THÊM: Các loại kem dưỡng ẩm an toàn và hiệu quả cho trẻ viêm da cơ địa
3.Tắm đúng cách, trẻ thoải mái, bệnh đẩy lùi
Tưởng chừng đơn giản, nhưng đối với viêm da cơ địa ở trẻ sơ sinh thì tắm như thế nào lại quan trọng. Việc ba mẹ tắm cho bé rõ ràng ảnh hưởng trực tiếp đến làn da của bé cơ mà. Tắm không phù hợp có thể khiến da bé bị khô khiến tình trạng bệnh nặng hơn. Hoặc nhiều vấn đề khác không tốt cho làn da bé.
Về vấn đề này thì kinh nghiệm mà mình được các bác sĩ truyền đạt lại như sau:
Thứ nhất, đối với trẻ bị viêm da cơ địa thì không nên tắm nước quá nóng cho bé.
Nhiệt độ phù hợp là không quá 30 độ, hoặc mát hơn tùy thời tiết. Mình vẫn sử dụng khủy tay để đo nhiệt độ nước cho bé. Nước âm ấm là được. Thậm chí vào những ngày nắng nóng thì có thể sử dụng nước hơi mát cho bé một chút.
Thứ hai, không tắm nước lá cho bé.
Đừng phân vân về việc trẻ bị viêm da cơ địa tắm lá gì. Thay vào đó hãy sử dụng sữa tắm dành cho trẻ sơ sinh. Nhớ tìm hiểu về độ PH trong sữa tắm ba mẹ nhé. Ba mẹ chịu khó tỉ mỉ vấn đề này chút xíu để giúp bé cải thiện tình trạng bệnh nhanh hơn. Theo mình tìm hiểu thì độ PH phù hợp cho trẻ nhỏ là từ 5.0 – 6.0. Tuy nhiên ít sản phẩm nào ghi rõ ràng độ PH. Thay vào đó là các thuật ngữ như dịu nhẹ hoặc cực kỳ dịu nhẹ cũng là tiêu chí để ba mẹ chọn sữa tắm cho bé.
Hoặc ba mẹ cũng có thể lựa chọn các loại sữa tắm có thành phần dưỡng ẩm cho bé cũng rất tốt.
Ba mẹ có thể tham khảo một vài loại sữa tắm dành cho viêm da cơ địa ở trẻ sơ sinh mình đã được bác sĩ khuyên dùng.
Thứ ba, không tắm cho trẻ quá lâu.
Thời gian tắm tối đa nên là 15 phút. Và sau đó, rất quan trọng đó là thoa kem dưỡng ẩm ngay sau khi lau khô người bé. Việc này rất cần thiết để làn da được dưỡng ẩm tốt hơn. Mình thường kết hợp massage nhẹ nhàng cho bé với kem dưỡng ẩm toàn thân. Và có vẻ nàng rất thích thú với việc này.
Tắm cho bé trong khoảng thời gian thích hợp, không nên quá lâu (Nguồn: earthmama.vn)
4. Hạn chế hết mức có thể việc trẻ cào, gãi da
Ngứa có lẽ là điều khiến bé bị viêm da cơ địa cực kỳ khó chịu. Đến người lớn chúng ta còn bực bội vì những cơn ngứa huống hồ là trẻ em. Tuy nhiên, vẫn phải hạn chế hết mức việc trẻ gãi lên da. Hành động này của bé có thể khiến làn da bị tổn thương nghiêm trọng hơn. Những mụn nước vỡ và lan sang những vùng da bên cạnh.
Vậy làm thế nào để xoa dịu các cơn ngứa của bé?
- Xoa nhẹ nhàng vùng da bị viêm cùng với kem dưỡng ẩm là cách mình thường áp dụng. Có rất nhiều loại kem dưỡng ẩm dành riêng cho trẻ viêm da cơ địa chứa thành phần giảm ngứa.
- Đánh lạc hướng sự quan tâm của bé cũng chính là cách giảm ngứa khi bị viêm da cơ địa ở trẻ. Một món đồ chơi hay một trò chơi bé thích chẳng hạn. Các bé của chúng ta vốn rất ham vui mà.
- Bên cạnh đó mình luôn chú ý cắt móng tay cho bé thường xuyên. Viêm da cơ địa ở trẻ sơ sinh thường gây ngứa vào ban đêm. Vì vậy mình cũng sẽ đeo bao tay cho bé vào thời điểm này để tránh việc bé làm tổn thương da.
5. Môi trường sống sạch sẽ thoáng mát
Kinh nghiệm cuối cùng của mình đó là luôn chú ý đến việc vệ sinh phòng sạch sẽ. Và cố gắng để phòng của bé thoáng mát cả ngày lẫn đêm.
Mình sống tại Sài Gòn, khí hậu gần như nóng quanh năm. Nóng sẽ khiến các cơn ngứa trở nên nhiều hơn. Vậy nên việc để bé bị nóng sẽ khiến tình trạng viêm da cơ địa ở trẻ sơ sinh trở nên khó chịu hơn. Mình cứ suy từ người lớn ra sẽ thấy.
Đảm bảo môi trường sống thoáng mát, sạch sẽ cho trẻ (Nguồn: websosanh.vn)
Mình luôn cố gắng giữ phòng sạch sẽ, đặc biệt là phòng ngủ của bé. Sử dụng máy hút bụi cầm tay là cách mình cảm thấy lý tưởng với việc dọn dẹp bụi bặm nơi bé ngủ. Kết hợp với việc giặt và thay ga giường đều đặn. Những lúc bé thức, mình sẽ để bé chơi ở phòng ngoài, đón không khí và gió tự nhiên. Mình nhận thấy việc này rất tốt cho hệ miễn dịch của bé, cũng như giúp bé thoải mái hơn. Khi bé ngủ, mình thường kết hợp sử dụng điều hòa, máy tạo ẩm và quạt để không khí trong phòng ngủ luôn thoáng mát.
Tùy vào môi trường và điều kiện sống mà ba mẹ nên lưu ý vấn đề này cho trẻ. Môi trường sống phù hợp sẽ giúp bé thoải mái. Từ đó tình trạng bệnh cũng được cải thiện hơn.
Viêm da cơ địa ở trẻ sơ sinh sẽ không nghiêm trọng nếu ba mẹ điều trị và chăm sóc đúng cách. Vậy nên với những kinh nghiệm mà mình chia sẻ trên đây hy vọng sẽ là nguồn tài liệu để ba mẹ tham khảo thêm trong quá trình chăm sóc bé.
Cám ơn ba mẹ đã đọc những chia sẻ của mình và đừng quên theo dõi blog để cập nhật những bài viết tiếp theo nhé!